Được xếp loại bệnh truyền nhiễm nhóm A (cực kỳ nguy hiểm), Covid-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của con người trên khắp thế giới. Hiện Việt Nam có trên 600.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Việc xuất hiện nhiều biến thể mới trong khi vaccine chưa được phủ rộng cho toàn dân đang tạo áp lực lên hệ thống y tế và uy hiếp đến sức khỏe của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, thông tin đáng mừng là trong số những F0 hiện nay, tỷ lệ người không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, trung bình chiếm tới 80%.
Từng là F0 vừa hoàn thành đợt điều trị, Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho rằng ai cũng có thể trở thành F0, ý thức phòng, chống dịch của từng cá nhân đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ông Đạt, virus SARS-CoV-2 vô hình nhưng hậu quả là hữu hình, do đó, không thể chủ quan. Tỷ lệ mắc Covid-19 và tử vong trên toàn thế giới hiện khá cao, chiếm 0,05%. Sự xuất hiện các biến chủng mới trong thời gian ngắn khiến hệ thống y tế tại nhiều quốc gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi, bổ sung phác đồ điều trị cho người nhiễm virus.
“Vaccine là giải pháp cần thiết. Riêng đối với F0, họ cần được trang bị hoặc hỗ trợ kiến thức để chăm sóc, điều trị bệnh. Người nhiễm Covid-19 phải dùng thuốc điều trị khi cần hoặc khi có triệu chứng và can thiệp y tế khi chuyển biến nặng. Điều quan trọng là người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để sớm phục hồi thể trạng. Và hơn hết, họ phải được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tâm lý là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến với dịch Covid-19”, ông Đạt phân tích thêm.
Khi hệ thống y tế quá tải trầm trọng, nhiều chuyên gia y tế cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu tập trung kiểm soát F0 sớm và bố trí họ cách ly theo hộ gia đình với các loại thuốc hiệu quả. Cùng với việc điều trị kịp thời, tránh trở nặng, F0 cần có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để sớm hồi phục. Nguy hiểm nhất vẫn là những tổn thương mà người nhiễm Covid-19 phải gánh chịu sau quá trình điều trị. Đó những hư tổn về gan, thận, phổi cùng nhiều cơ quan khác.
Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng, trong giai đoạn hiện nay con người cần nâng cao thể trạng và sức đề kháng, chủ động bảo vệ bản thân trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của môi trường. Trong đó, sức đề kháng sinh học được hình thành từ lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao, cân bằng cuộc sống, tiêm chủng phòng ngừa… Sức đề kháng tinh thần - một yếu tố được hình thành từ quá trình sống tích cực, hiểu được giá trị cuộc sống để có sự điều chỉnh phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt khi biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh. Nồng độ virus trong dịch hầu họng các bệnh nhân cao gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng nCoV trước.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải “thần tốc xét nghiệm”. Các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện sớm, tách ngay các F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.
Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR. Các địa bàn còn lại, xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Xét nghiệm RT-PCR phải trả kết quả trong 12 giờ.
Các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ gia đình, cộng đồng và bản thân chúng ta chống lại Covid-19. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu khoa học được rất nhiều quốc gia thực hiện. Các báo cáo gần đây ở Canada chỉ ra rằng, chưa tới 1% những người đã được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vaccine đã cho thấy hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Delta, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng và tử vong do Covid-19. Bên cạnh đó, một người đã tiêm phòng nếu vẫn nhiễm SARS-CoV-2, các triệu chứng luôn nhẹ hơn những người chưa tiêm phòng.
Vì vậy, WHO kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc Covid-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vaccine mà bỏ lỡ một “lá chắn” quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.
Thời gian qua, Bộ Y tế liên tục thay đổi chiến lược xét nghiệm để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế chuyển từ “chạy theo xét nghiệm” sang “tấn công”, bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Trước đó, công tác xét nghiệm chủ yếu thực hiện ở khu cách ly bằng cách lấy mẫu người nghi nhiễm từ 4-5 lần, phòng lây nhiễm ra cộng đồng.