Ngày 3/3 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo khoa học “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán các dự án PPP.
Quang cảnh Hội thảo.
Nhiều lỗ hổng
Nói về thực trạng của các dự án PPP (dự án kết hợp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư), ông Lê Tùng Lâm- Phó Chánh Văn phòng KTNN cho biết, tính đến cuối năm 2018, cả nước đã thực hiện 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án hợp đồng BOT, 188 dự án hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng hợp đồng khác. Có thể nói, các dự án BT thời gian qua đã góp phần quan trọng về việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng đô thị, chẳng hạn như: Quốc lộ 1A, Nhà máy nước, trụ sở làm việc các cơ quan hành chính… Tuy nhiên, các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua đã bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót, là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách nhà nước. Từ năm 2016 đến năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Kết quả kiểm toán cho thấy, với 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày. Đối với kiểm toán 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán.
“Vì vậy, vấn đề đặt ra là nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên đầu người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và ngân sách nhà nước sẽ thất thoát lớn”- ông Lâm cho biết.
Đồng quan điểm, tại Hội thảo nhiều đại biểu cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của các dự án BT và BOT trong thời gian qua như việc lựa chọn nhà thầu không minh bạch, không có tính cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu; vị trí đặt các trạm không được quy hoạch, không đúng cự ly quy định; phương án tài chính không đúng, thông thường chi phí dự án đội lên nhưng doanh thu lại quá thấp so với thực tế; chất lượng công trình kém; khối lượng thi công thấp hơn dự toán lập; hợp đồng BOT lỏng lẻo...
Đối với các dự án BT, công trình được chỉ định thầu, thiết kế dự toán không phù hợp vì nhà đầu tư lập; chất lượng công trình kém, trong khi đất đai hoán đổi được chỉ định, giá đất định giá thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường; điều đó làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước cả hai đầu là công trình và đất đai.
Một nguyên nhân nữa là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP từ trước đến nay đang dừng lại ở thông tư và nghị định hướng dẫn, khi triển khai còn nhiều vướng mắc, gây quan ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát.Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao…
Cần phải có cơ chế xử lý
Ông Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, để giảm bớt thất thoát, những năm gần đây, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước trong dự án BT hàng nghìn tỉ đồng. Năm 2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính là 72.873 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công… Đó là những giải pháp hiệu quả và cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, để xử lý tận gốc vấn đề thất thoát trong các dự án PPP, cần thiết phải ban hành Luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP trong đó nhấn mạnh, phát huy vai trò của KTNN.
Theo ông Phương, chìa khóa giải pháp nằm ở chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả; vừa thu hút khu vực đầu tư tư nhân, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này, nhưng đồng thời phải ràng buộc được trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng, tránh sự đổ lỗi cho yếu tố chủ quan. “Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là, trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng. Thực tế đã có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can. Ngoài ra, để tránh việc “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án PPP, cần có thêm vai trò KTNN để đánh giá, xác nhận, kết luận… tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư, cũng như kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”- ông Phương nhấn mạnh.