Qua các hoạt động kiểm toán, đặc biệt là hoạt động kiểm toán chuyên đề về đầu tư công, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá vai trò quan trọng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư công.
Vai trò hết sức cần thiết
Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực của tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh một số động lực quan trọng khác bị thuyên giảm hoặc tăng thấp. Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện với tổng mức vốn gần 2 triệu tỷ đồng, nhưng đã góp phần huy động vốn đầu tư xã hội đạt 9,2 triệu tỷ đồng. Điều này khẳng định tính chất “vốn mồi”, dẫn dắt và lan tỏa của đồng vốn đầu tư công, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở mức cao của nước ta.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực tạo ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, tăng cường an sinh xã hội. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường phân cấp đầu tư và nâng cao hiệu quả thực hiện vốn đầu tư. Do đó, đầu tư công đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, góp phần làm thay đổi và phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hiệu quả đầu tư chưa cao, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, giải ngân vốn chưa đạt như kỳ vọng… Để khắc phục hạn chế này, Kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng, là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công - lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa to lớn của đầu tư công, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quản lý đầu tư công, đã ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) cho chi đầu tư phát triển (chiếm khoảng 28-29% tổng chi NSNN). Do đó, để đầu tư của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, vai trò của KTNN trong quản lý chi đầu tư công là hết sức cần thiết. Vai trò đó thể hiện từ khâu lập kế hoạch, triển khai kế hoạch và quyết toán NSNN (trong đó có vốn đầu tư) hằng năm.
Thứ nhất, vai trò của KTNN trong công tác lập dự toán, kế hoạch vốn NSNN: Theo Luật KTNN năm 2015, nhiệm vụ của KTNN trong khâu dự toán được quy định với 2 cấp độ: Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN; Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương. Như vậy, ngay từ khâu này, đối với kế hoạch đầu tư công, KTNN đóng vai trò tư vấn, phản biện cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong quá trình lập dự toán chi NSNN cho đầu tư phát triển về các nội dung như: cân đối nguồn vốn NSNN cho đầu tư, xác định thứ tự, đối tượng được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ.
Thứ hai, vai trò của KTNN trong công tác triển khai kế hoạch: Hằng năm, KTNN triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán dự án cụ thể. Thông qua việc thực hiện kiểm toán các dự án, KTNN phát hiện những điểm sai, thiếu sót trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, qua đó tạo điều kiện giúp các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án kịp thời chấn chỉnh, tránh được các sai sót giúp tiến độ của dự án được đẩy nhanh, góp phần giải ngân nhanh vốn đầu tư. Đồng thời, KTNN cũng đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung Luật, Nghị định không phù hợp.
Thứ ba, vai trò của KTNN trong thực hiện quyết toán NSNN, trong đó có quyết toán vốn đầu tư: Theo quy định của Luật KTNN, Luật NSNN, hằng năm, KTNN tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương. Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã cung cấp thông tin khách quan, trung thực phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; là căn cứ để các đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi biểu quyết phê chuẩn quyết toán NSNN.
Tóm lại, KTNN có vai trò ngày càng quan trọng đối với hoạt động quản lý tài chính công nói chung và chi đầu tư phát triển từ NSNN nói riêng. Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp NSNN, giảm thanh toán và xử lý khác, đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án.. Đồng thời, KTNN đã phát hiện nhiều sơ hở, bất hợp lý về cơ chế chính sách hiện hành trong lĩnh vực quản lý điều hành ngân sách, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án… để kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế.
Chỉ rõ nhiều bất cập
Từ năm 2017-2022, KTNN đã thực hiện 53 cuộc kiểm toán hoạt động về đầu tư công. Các cuộc kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, như: kiểm toán các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, kiểm toán việc lập, sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kiểm toán Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hoà Bình…
Qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Cụ thể như:
Thứ nhất, chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế nên khi thực hiện dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến công tác kế hoạch vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Qua kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án được kiểm toán đều phải điều chỉnh quy mô, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ xảy ra phổ biến ở nhiều dự án và có xu hướng gia tăng so với các năm trước. Việc chậm tiến độ các công trình, dự án đã làm tăng chi phí và giảm hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án hạ tầng quan trọng.
Thứ hai, công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán của các đơn vị được kiểm toán hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung thiết kế, điều chỉnh dự toán và tổng mức đầu tư; công tác thẩm định thiết kế dự toán ở hầu hết dự án được kiểm toán cho thấy còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và loại bỏ hết các sai sót, bất hợp lý về đơn giá, định mức.
Thứ ba, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, còn tình trạng “vốn chờ dự án”, nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn hằng năm nhưng các bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất bố trí vốn dẫn đến không phân bổ hết số vốn được giao. Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, bố trí vốn chưa đúng tiêu chi, chưa ưu tiên cho những dự án cấp bách, quan trọng, dự án có khối lượng lớn vẫn còn diễn ra tại môt số bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn như thẩm định dự án đối với các đơn vị ngành dọc của cơ quan thuế, hải quan, toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư và vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng.
Thứ năm, việc lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ dự án cũng như quy định về trách nhiệm của các bên trong thực hiện hợp đồng vẫn còn những hạn chế, dẫn đến khi phát sinh vấn đề, việc phối hợp, xử lý mất nhiều thời gian.
Kiểm toán nhà nước giúp hoàn thiện công tác quản lý vốn đầu tư công
Thông qua các kiến nghị của KTNN, đặc biệt là các kiến nghị về công tác triển khai dự án ở cấp cơ sở, sửa đổi một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý đầu tư công hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, công tác quản lý vốn đầu tư công đã ngày càng hoàn thiện hơn, công khai, minh bạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Kết quả là đã khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm: Vốn đầu tư công được bố trí tập trung hơn, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí; tăng cường quyền tự chủ, chủ động, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lựa chọn, phê duyệt, phân bổ vốn cho dự án cụ thể theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác phân bổ vốn đầu tư…
Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và đầu tư công nói riêng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên cơ sở kiến nghị của KTNN và một số bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo hành lang pháp lý cho các vấn đề mới để thực hiện thắng lợi mục tiêu Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025... Tổ chức rà soát, xác định được 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công, từ đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.
Đồng thời kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án tuân thủ thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Số dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm so với giai đoạn 2016-2020, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật.
Có thể thấy, vai trò của KTNN đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư công ngày càng được khẳng định qua hoạt động kiểm toán. Vai trò này càng cần được phát huy hơn nữa trong bối cảnh cả nước đang triển khai rất nhiều dự án lớn, dự án quan trọng, liên vùng, đầu tư công là nguồn lực, động lực để phát triển kinh tế - xã hội.