Trải qua chặng đường 20 năm (2004-2024) xây dựng và phát triển, KTNN chuyên ngành V đã thực hiện gần 300 cuộc kiểm toán trải rộng trên nhiều lĩnh vực, như: Các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng… Qua đó, đơn vị đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 37.744,95 tỷ đồng.
Thực hiện gần 300 cuộc kiểm toán
KTNN chuyên ngành V được thành lập năm 2004 với tên gọi Kiểm toán Đầu tư - Dự án II trên cơ sở chia tách từ Vụ Kiểm toán các chương trình, dự án đầu tư vay nợ, viện trợ của Chính phủ theo Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN. Sau khi có Luật KTNN số 37/2005/QH11 ngày 15/9/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 về cơ cấu tổ chức của KTNN, Kiểm toán Đầu tư - Dự án II được đổi tên thành KTNN chuyên ngành V.
Qua 20 năm (2004-2024) xây dựng và phát triển, KTNN chuyên ngành V đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước (năm 2009), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2015), Tập thể Lao động xuất sắc (các năm 2015, 2016, 2017, 2019, 2020 và 2022), Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước (các năm 2016, 2019 và 2020), Cờ thi đua của KTNN (năm 2017), 4 cuộc kiểm toán được tặng Bằng khen cuộc kiểm toán “chất lượng vàng” (các năm 2016, 2017, 2018 và 2020). |
KTNN chuyên ngành V có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán các công trình công nghiệp, công trình dân dụng, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; các doanh nghiệp nhà nước có vốn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia thuộc các lĩnh vực công thương, xây dựng, nông nghiệp, y tế, giáo dục - đào tạo, lao động - thương binh - xã hội, văn hóa - thể thao - du lịch, khoa học - công nghệ; chuẩn bị ý kiến của KTNN về các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, nông nghiệp và phát triển nông thôn để Tổng Kiểm toán nhà nước trình Quốc hội.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức và kiểm toán viên của đơn vị là 76 người, bao gồm: 1 kiểm toán viên cao cấp, 32 kiểm toán viên chính, 42 kiểm toán viên và 1 chuyên viên. Trong đó, 51/76 công chức có trình độ thạc sỹ (chiếm 66,2%), 41/76 công chức có chuyên môn khối kỹ thuật, 36/76 công chức có chuyên môn thuộc các ngành tài chính, kinh tế và lĩnh vực khác.
Trải qua chặng đường 20 năm (2004-2024) xây dựng và phát triển, KTNN chuyên ngành V đã thực hiện gần 300 cuộc kiểm toán trải rộng trên nhiều lĩnh vực, như: Các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng… Qua đó, đơn vị đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 37.744,95 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu NSNN 2.859,89 tỷ đồng; giảm chi NSNN 3.449,74 tỷ đồng; các kiến nghị xử lý khác 31.435,54 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị đã kiến nghị thu hồi, điều chỉnh nhiều văn bản không phù hợp quy định; kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách còn bất cập trong quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; cung cấp thông tin, tham gia các cuộc họp của Đoàn giám sát Quốc hội về các chuyên đề, Chương trình mục tiêu quốc gia; tham gia ý kiến, kiến nghị đối với chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia; kiến nghị các đơn vị được kiểm toán khắc phục những sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành, sử dụng NSNN, quản lý tài chính doanh nghiệp, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, tập đoàn, tổng công ty, địa phương thuộc lĩnh vực được giao.
Không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn, KTNN chuyên ngành V còn đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội, như: Quyên góp 117,6 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ 700,066 triệu đồng mua trang thiết bị trường học, bảo hiểm y tế cho học sinh vùng khó khăn của các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, ủng hộ người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa...
Góp phần xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hoa đất nước
Để phát huy kết quả đã đạt được trong 20 năm qua, KTNN chuyên ngành V quyết tâm vượt khó, đoàn kết phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, xứng đáng là cơ quan kiểm toán các chương trình mục tiêu, dự án nhóm A có trách nhiệm và uy tín, cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN và thực hiện chức năng giám sát trong quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN chuyên ngành V xác định định hướng và các giải pháp chủ yếu thời gian tới như sau:
Tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức, kiểm toán viên đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, kỹ năng và có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho đội ngũ công chức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, căn bản và then chốt, là yếu tố quyết định đến thắng lợi của đơn vị nói riêng và toàn Ngành nói chung. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Đảng ủy KTNN, quyết định, chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như dư luận xã hội quan tâm và mục tiêu, định hướng kiểm toán hằng năm của Ngành. Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng nâng cao trách nhiệm kiểm soát của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán và Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Chuyên ngành, năng lực thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp Vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm toán, trong 4 giai đoạn của Quy trình kiểm toán: Lập kế hoạch; thực hiện kiểm toán; lập báo cáo kiểm toán và kiểm tra, theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, hành chính.
Quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ công chức có đủ năng lực, đạo đức, phẩm chất và trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Tạo mọi điều kiện để công chức phát triển được sở trường và khẳng định bản thân. Thực hiện nghiêm túc việc điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và bổ sung cán bộ, công chức.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị kiểm toán ngay từ khâu phát hành báo cáo kiểm toán.