Kinh tế

Kiểm toán Nhà nước: Góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Phúc Khánh 02/06/2024 19:44

Những kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) của Đảng và Nhà nước.

ktv.jpg
Ảnh minh họa: baokiemtoan.

Chủ động xây dựng và ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định về vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, ngay khi hai Luật này được thông qua, lãnh đạo KTNN rất quan tâm đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác PCTNTC.

Nhằm thực thi hiệu quả quy định tại Điều 78 Luật PCTN, KTNN đã chủ động xây dựng và ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình đề ra các bước cụ thể, từ việc phát hiện, xử lý thông tin, xác minh làm rõ vụ việc đến báo cáo kết quả và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Ngay sau khi Quy trình được ban hành, KTNN đã áp dụng thực hiện 2 cuộc kiểm toán theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Kết quả kiểm toán đã được phát hành trong các báo cáo và cung cấp cho Ban Chỉ đạo cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân giao, thời gian qua, KTNN đã phối hợp chủ động, tích cực với các cơ quan chức năng có liên quan để phát huy điểm mạnh của từng cơ quan tổ chức nhằm hoàn thành tốt nhất công tác PCTNTC trong quản lý tài chính công, tài sản công.

KTNN đã ký Quy chế phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành, cơ quan trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời triển khai rà soát để bổ sung nội dung “phối hợp về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực” trong Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với các bộ, ngành và địa phương.

Đặc biệt, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về việc giao KTNN chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch trong việc phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, Ban cán sự đảng KTNN đã tổ chức triển khai thực hiện xây dựng Thông tư liên tịch theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo đã được lấy ý kiến trong Ngành, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của KTNN và đang gửi lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định.

Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp

Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác PCTNTC, KTNN đã thực hiện công khai, minh bạch công tác: tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức; đánh giá công chức; kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Toàn ngành tuân thủ nghiêm túc Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành KTNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ; chú trọng công tác thanh tra, kiểm soát để quản lý, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, yếu kém trong hoạt động kiểm toán; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ biên chế.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Hằng năm, KTNN thực hiện trung bình 250 cuộc kiểm toán, đánh giá tính trung thực, hợp lý của 3.000-5.000 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán trên phạm vi cả nước.

Trong bối cảnh hiện nay, kết quả của KTNN là hết sức quan trọng và cần thiết để phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân

Theo số liệu tổng hợp của KTNN, từ khi thành lập đến nay, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 1.950 (đến ngày 15/12/2023) hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Với những con số nêu trên, “KTNN càng được tin cậy, tín nhiệm như là vũ khí sắc bén để phục vụ công tác PCTNTC của Đảng, Nhà nước” - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Ngọc Son nhấn mạnh.

Chung nhận định này, PGS,TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cũng cho rằng: Với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được luật định, những năm qua, KTNN đã có nhiều đóng góp trong kiểm soát quyền lực, góp phần PCTNTC.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng

Để phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của KTNN trong công tác PCTNTC, KTNN xác định một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của KTNN cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về KTNN để tăng cường tính độc lập, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Hai là, nâng cao chất lượng kiến nghị kiểm toán, nhất là các kiến nghị mang tính hệ thống, các kiến nghị về sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện kiến nghị kiểm toán.

"Với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, hằng năm, chúng tôi đều căn cứ vào kế hoạch của Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thật tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công. Đặc biệt, năm 2024, triển khai Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN đã xây dựng chương trình rất cụ thể, chi tiết, ngay từ khi đào tạo đến khi tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ quan kiểm toán đi đầu, gương mẫu trong PCTNTC".
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm toán; triển khai các ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối… nhằm nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo sớm các sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên, đặc biệt là kiến thức pháp luật, kỹ năng phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong PCTNTC; chủ động tham mưu, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và nâng cao vị thế của KTNN tại các tổ chức kiểm toán quốc tế, khu vực. Qua đó, tiếp thu các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến về kiểm toán và đấu tranh PCTNTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán Nhà nước: Góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực