Kinh tế

Kiểm toán nhà nước góp phần vào việc hoàn thiện hoạt động ngân hàng

Thái Nhung 06/05/2024 19:57

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều đánh giá thẳng thắn, khách quan về hoạt động của KTNN đối với lĩnh vực ngân hàng.

Đánh giá của NHNN khẳng định những đóng góp của KTNN đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo NHNN, ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung đứng trước yêu cầu phải đổi mới để bắt kịp sự phát triển chung của thế giới. Song hành với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, KTNN đã đưa ra những tư vấn có giá trị và kịp thời giúp NHNN điều hành hoạt động một cách có hiệu quả, thực chất, đáp ứng được yêu cầu đối mới của đất nước.

nganhaaaaa.jpg
KTNN đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng (Ảnh minh họa: vneconomy.vn)

Góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý

NHNN khẳng định, qua kiểm toán báo cáo tài chính, KTNN đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao hoạt động của các đơn vị thuộc NHNN. Hoạt động kiểm toán của KTNN không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của NHNN trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định nền kinh tế. Đồng thời, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Trong đó, các nhóm kiến nghị chủ yếu đã được KTNN đưa ra, như: kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại NHNN và các đơn vị trực thuộc NHNN…

Bên cạnh đó, KTNN đã kịp thời phát hiện, cảnh báo những điểm cần khắc phục về chính sách và hoạt động điều hành của NHNN: Trong những năm qua, KTNN đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của NHNN, như: công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN, công tác xử lý nợ tồn đọng..., thực hiện kiểm toán các chuyên đề, như: Chuyên đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCDT), chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phòng chống dịch Covid-19, kiếm toán hệ thống/dự án công nghệ thông tin. Qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại NHNN và các đơn vị được kiểm toán. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổnng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra; đảm bảo cho NHNN và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát, cấp phép đối với hệ thống các TCTD: Trong những năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với công tác thanh tra, giám sát, cấp phép, xử lý ngân hàng yếu kém và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sơ các nhận định, kiến nghị của KTNN, NHNN đã tiếp tục: Chú trọng tập trung nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực và sai phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các rủi ro, sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng; tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống. Trên cơ sở kết quả giám sát, đề xuất xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hằng năm/đột xuất đối với các TCTD này. Cùng với đó, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN đã đạt được một số kết quả tích cực…

Hơn nữa, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ của NHNN. Thực hiện những kiến nghị của KTNN, NHNN đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ (KTNB), ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý để khẳng định vai trò giúp phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động…

"Thông qua công tác kiểm toán hằng năm, KTNN đã giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Các đánh giá, kiến nghị của KTNN đã hỗ trợ NHNN trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Hiện nay, trong công tác kiểm toán hoạt động của NHNN, việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều kiện, tâm lý thị trường là hết sức cần thiết để có những đánh giá khách quan về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Phối hợp công tác nhịp nhàng

Dấu mốc không thể không nói đến là sự phối hợp công tác nhịp nhàng giữa hai đơn vị đầu mối thuộc hai cơ quan. Trong đó, KTNN chuyên ngành VII và Vụ KTNB, NHNN đã tích cực trao đổi thông tin, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo hai đơn vị để xây dựng, thiết lập mối quan hệ, tăng cường hợp tác mạnh mẽ, có chiều sâu, giúp hoạt động kiểm toán của KTNN cũng như hoạt động điều hành của NHNN được thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Nổi bật trong đó là ngay từ tháng 9/2014, KTNN và NHNN đã ký Quy chế phối hợp công tác số 07/QCPH- KTNN-NHNN. Trong đó, Quy chế quy định mối quan hệ công tác giữa hai bên về việc phối hợp tổ chức thực hiện kiểm toán tại NHNN theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hai cơ quan, đảm bảo các quy định của pháp luật; quy định chế độ làm việc liên tịch giữa hai cơ quan; phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra giám sát, thực hiện kiến nghị kiểm toán, thanh tra, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật và phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng...

Hiện nay, trên cơ sở các tư vấn và khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Vụ KTNB đã triển khai nghiên cứu và từng bước chuyển đổi hoạt động KTNB theo phương thức kiểm toán trên cơ sở rủi ro. Trong quá trình đó, việc hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ KTNN là rất cần thiết. Khi hợp tác với KTNN, KTNB sẽ có cơ hội học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu; đồng thời, tạo điều kiện cho KTNB mở rộng mối quan hệ với các tổ chức kiểm toán bên ngoài. Thông qua việc tiếp cận, khai thác, phân tích các kết quả kiểm toán của KTNN, KTNB có thể học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm thực hành kiểm toán, phương pháp, kỹ thuật, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của các kiểm toán viên KTNN. Bên cạnh đó, việc phối hợp với KTNN trong công tác lập kế hoạch kiểm toán hằng năm giúp KTNB đảm bảo không thực hiện kiểm toán chồng chéo đối với các đơn vị thuộc NHNN; đồng thời, có thể rút ngắn được thời gian, nội dung, phạm vi kiểm toán đối với các đơn vị thuộc NHNN mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn hệ thống, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động KTNB NHNN.

NHNN với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm ổn định giá trị của đồng tiền; thực hiện cung tiền cho nền kinh tế, kiểm soát lãi suất và là người cho vay cuối cùng. Vì vậy, NHNN có một vai trò và vị trí vô cùng đặc biệt trong nền kinh tế của đất nước. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, NHNN cần đảm bảo tính độc lập, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tính độc lập cao đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình càng cao. Do đó, bên cạnh việc thiết lập và hoạt động hiệu quả của KTNB, kiểm toán bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm giải trình của NHNN, chứng nhận tính chính xác của báo cáo tài chính và tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát nội bộ…

"NHNN trân trọng sự phối hợp tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình công tác của KTNN thời gian qua. Đồng thời, mong rằng thời gian tới, hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao".- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Có thể nói, KTNN để lại những dấu ấn rõ nét, có vai trò quan trọng trong hoạt động của NHNN. Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng một cách tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

"Hoạt động kiểm toán của KTNN giúp các tổ chức tín dụng xác định xem các chi phí vận hành nội bộ đã hợp lý chưa. Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, những đánh giá của KTNN về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các TCTD tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp."- Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán nhà nước góp phần vào việc hoàn thiện hoạt động ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO