Kinh tế

Kiểm toán nhà nước lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy chế

Minh Vy 28/05/2024 19:16

Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang lấy ý kiến góp ý của các đơn vị đối với dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước. Việc lấy ý kiến góp ý là một bước quan trọng để hoàn thiện dự thảo Quy chế trước khi ban hành với mục đích nâng cao chất lượng, tính khả thi và hiệu lực của quy chế trong thực tế.

445-202405281445591.jpg
Các Đoàn kiểm toán luôn hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Ảnh tư liệu

Theo Dự thảo Quy chế, đối tượng áp dụng của Quy chế này là các Đoàn kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là Đoàn kiểm toán) được thành lập theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Về nguyên tắc hoạt động của Đoàn kiểm toán, Dự thảo Quy chế quy định, Đoàn kiểm toán hoạt động theo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; trung thực, khách quan, công khai, minh bạch; Đoàn kiểm toán hoạt động theo chế độ thủ trưởng.

Đồng thời, khi tiến hành kiểm toán, các thành viên của Đoàn kiểm toán phải tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, quy định của cấp có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán và quy định của Kiểm toán nhà nước. Khi tiến hành kiểm toán ở nước ngoài, Đoàn kiểm toán phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và luật pháp nước sở tại; tuân thủ nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng và bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về thời hạn kiểm toán, Dự thảo Quy chế quy định, thời hạn của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán. Trong trường hợp sau khi công bố quyết định kiểm toán phát sinh sự kiện bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, …) ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định tạm dừng cuộc kiểm toán. Thời hạn tạm dừng không tính vào thời hạn của cuộc kiểm toán.

Thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày.

Đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thời hạn cuộc kiểm toán.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán, Dự thảo Quy chế quy định rõ các hành vi bao gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.

Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (đơn vị được kiểm toán) cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm toán chưa được công bố chính thức.

Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đơn vị được kiểm toán hoặc người có liên quan đến đơn vị được kiểm toán.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đơn vị được kiểm toán, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Bên cạnh đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán còn có các hành vi như: báo cáo sai lệch, không đầy đủ, không kịp thời kết quả kiểm toán; đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, bản chất vụ việc, vi phạm của đơn vị được kiểm toán.

Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm; không kiến nghị hoặc chỉ đạo, xử lý thu hồi vật chất, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với các vi phạm khi tiến hành kiểm toán.

Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đơn vị được kiểm toán; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích…

Đối với các trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán, Dự thảo Quy chế quy định các trường hợp này bao gồm: mua cổ phần, góp vốn hoặc có quyền, lợi ích liên quan với đơn vị được kiểm toán; đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán của các năm tài chính được kiểm toán.

Trong thời hạn ít nhất là 5 năm, kể từ khi thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán.

Ngoài ra, có quan hệ là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật với người đứng đầu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của đơn vị được kiểm toán hoặc đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, bị kỷ luật hoặc bị mất, bị thu hồi thẻ Kiểm toán viên nhà nước…

Ngoài các nội dung trên, Dự thảo Quy chế còn quy định cụ thể về nhiều nội dung khác như: tổ chức của Đoàn kiểm toán; hoạt động của Đoàn kiểm toán; quan hệ công tác và lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán nhà nước lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy chế