Kinh tế

Kiểm toán nhà nước: Tạo dựng niềm tin, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công

Thái Minh 05/06/2024 16:45

Trong 30 năm qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, kết quả và kiến nghị kiểm toán đã giúp các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã không ngừng nỗ lực góp phần vào sự minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia và đồng hành với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

bqt_1034.jpg
Kiểm toán nhà nước góp phần cùng cả nước phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: baokiemtoan.vn

Thực hiện gần 3.600 cuộc kiểm toán

Báo cáo của KTNN cho biết: 30 năm qua, KTNN đã thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán, trong đó có 1.703 cuộc kiểm toán ngân sách, 289 cuộc kiểm toán chuyên đề, 834 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, 692 cuộc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính, ngân hàng, 74 cuộc kiểm toán hoạt động. Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi KTNN thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị.

Qua kiểm toán, KTNN đã xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, giúp cho các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh các báo cáo phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành; cung cấp thông tin để Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán như: Công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý; việc đầu tư thiếu hiệu quả, lãng phí tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất còn nhiều hạn chế, sai phạm; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí, thu khác ngân sách, chi sai chế độ, tiêu chuẩn định mức...

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Thăng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, giá trị của hoạt động kiểm toán không chỉ là những con số kiến nghị xử lý tài chính hay việc chỉ ra các sai phạm, thiếu sót mà điều quan trọng sau 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã tạo dựng được những giá trị cốt lõi. Đó là: Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN góp phần giúp cho cán bộ quản trị tài chính kế toán ở các đơn vị được kiểm toán hiểu rõ chính sách, chế độ, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tài chính - ngân sách. Hơn nữa, công chúng biết đến một công cụ để sử dụng, giám sát hệ thống tài chính ngân sách quốc gia, đặc biệt là các cơ quan dân cử. Đồng thời, kết quả kiểm toán giúp công chúng thêm tin tưởng vào quản trị tài chính quốc gia.

Nhận định về những đóng góp của KTNN trong 30 năm qua, TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá: “Một trong những đóng góp lớn nhất của KTNN là cùng với hệ thống chính quyền nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công cho Nhà nước, góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội được cải thiện một cách rõ rệt. KTNN đã tạo được sự đồng thuận của xã hội đối với các hoạt động của chính quyền, qua đó giúp củngcố niềm tin của người dân vào các hoạt động của cơ quan chính quyền”. Cũng theo ông Kiên, giai đoạn 2011-2015, KTNN tiến hành kiểm toán các dự án BOT trong các lĩnh vực kinh tế. Đây có thể nói là thời điểm mà dư luận xã hội cảm nhận được rõ ràng nhất vai trò, vị trí và đóng góp của KTNN. “Có lẽ trong việc thực hiện nghị quyết của Trung ương về phát triển kết cấu hạ tầng, vai trò của KTNN càng được thể hiện rõ ràng hơn” - TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, kết quả và kiến nghị kiểm toán đã giúp các Bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Chẳng hạn, đối với Bộ Tài chính, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, báo cáo kiểm toán là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính thu hồi, xử lý tài chính đối với các đơn vị thực hiện sai quy định. Những kiến nghị của KTNN đã giúp Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành tài chính, ngân sách nhà nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giữ vững chính sách tài khóa, phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hay đối với Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Các đánh giá, kiến ghị của KTNN đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Đại diện cho các địa phương, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau -đánh giá: “Trong thời gian qua, KTNN đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hỗ trợ các địa phương trong việc kiểm soát vấn đề sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước để góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.

Với việc góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, “KTNN đã xác lập được địa vị, vị thế của mình trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, thành công lớn nhất của KTNN là đã tạo dựng được niềm tin với nhân dân, với cộng đồng, xã hội vào kết quả kiểm toán”, PGS, TS. Đặng Văn Thanh - chuyên gia kế toán, kiểm toán nhận định.

"30 năm qua, KTNN đã luôn đồng hành bảo vệ lợi ích công. KTNN không chỉ mang lại lòng tin mà còn nâng cao chất lượng nền quản trị quốc gia, bảo đảm việc quản lý tài chính, ngân sách quốc gia tốt hơn, góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước".

TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Lấp “lỗ hổng” chính sách, quyết liệt phòng chống tham nhũng

Nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua, Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương nhận thấy rằng, một trong những chức năng quan trọng được KTNN thực hiện tốt là phát hiện những thiếu sót, những “khuyết tật” của cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đảm bảo cho luật pháp ngày càng hoàn thiện hơn. Đó là cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

30 năm qua, với việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, KTNN đã góp phần lấp “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách. Trong đó, đáng lưu ý là những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...“Việc tư vấn để hoàn thiện khung pháp lý trên cơ sở kết quả kiểm toán chính là cái gốc giúp cho công tác quản lý tài chính hiệu quả hơn, chất lượng hơn”- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá.

Đồng tình với các nhận định trên, PGS, TS. Đặng Văn Thanh cũng cho rằng, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện ra sự không phù hợp, những thiếu sót, những kẽ hở của các chính sách, chế độ nhà nước và từ đó kiến nghị hoàn thiện hơn các chính sách, trong đó có chính sách luật, chính sách tài chính, kế toán, kiểm toán. Quan trọng hơn nữa, các ý kiến kiểm toán đã tư vấn cho Nhà nước và các đối tượng được kiểm toán trong việc nâng cao chất lượng quản lý, quản trị, đặc biệt là quản lý, quản trị tài chính.

Cùng với những kiến nghị kiểm toán góp phần hoàn thiện thể chế của đất nước, KTNN đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thuộc khối nội chính trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Giai đoạn 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ 2 vụ việc để chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.KTNN đã cung cấp 1.950 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Việc phối hợp cung cấp tài liệu và chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng 30 năm qua đã góp phần thông tin kịp thời cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phục vụ tích cực cho hoạt động của cơ quan dân cử

Có thể thấy, hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử ngày càng được triển khai mạnh mẽ nhằm đảm bảo mọi hoạt động của Nhà nước và công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Một trong những cơ quan góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ dân cử thời gian qua chính là KTNN.

Báo cáo của KTNN cho thấy, thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, từ năm 2022 trở lại đây, KTNN đã tăng dần kiểm toán báo cáo quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để cung cấp thông tin cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp (năm 2023, KTNN đã kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52/63 địa phương). “Những ý kiến đánh giá, xác nhận về tính đúng đắn, trung thực của tổng số thu, chi ngân sách nhà nước, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức kinh tế của Nhà nước và chính quyền địa phương giúp Quốc hội phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm”, ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh.

Từ góc độ địa phương, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng - chia sẻ, kết quả các cuộc kiểm toán này đã được Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN cũng từng bước tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề, tập trung vào các chuyên đề có phạm vi rộng, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều chuyên đề kiểm toán có quy mô và phạm vi rộng nhằm nâng cao giá trị, lợi ích của hoạt động kiểm toán, đánh giá toàn diện công tác quản lý tài chính công, tài sản công như: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15;Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước; Việc quản lý và sử sụng Quỹ Bảo hiểm y tế; Công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; Các chương trình mục tiêu quốc gia; Quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; Quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; Chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020; chuyên đề việc quản lý quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng giai đoạn 2017-2020... Qua kiểm toán, KTNN đã kịp thời chỉ ra những mặt đã làm được, những hạn chế, bất cập, sai sót, vướng mắc thuộc các chuyên đề giám sát và “lỗ hổng” cơ chế, chính sách để kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội.

“Kết quả kiểm toán của KTNN trong 30 năm qua có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các cơ quan dân cử cũng như các đại biểu Quốc hội” - TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khái quát, đồng thời phân tích cụ thể hơn: Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phân bổ ngân sách, phê duyệt các dự án đầu tư công. Bởi vậy, thông tin mà KTNN cung cấp là một nguồn hết sức quan trọng để Quốc hội ra các quyết định. Mặt khác, Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân phải bảo đảm trách nhiệm giải trình hay giám sát các cơ quan công quyền. Nếu nền quản trị có trách nhiệm giải trình tốt thì Quốc hội phải vận hành hiệu quả. Muốn Quốc hội vận hành hiệu quả thì phải có một hệ thống thông tin chuẩn. “Hệ thống thông tin đó đến từ kiểm toán và chất lượng báo cáo kiểm toán càng tốt bao nhiêu thì khả năng giám sát của Quốc hội càng tốt bấy nhiêu” - TS.Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.

Cũng đánh giá cao ý nghĩa của báo cáo kiểm toán, PGS, TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh thêm, ý kiến độc lập của KTNN đối vớicác báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, các báo cáo về kinh tế - xã hội giúp cho các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội có thêm thông tin cực kỳ quan trọng và rất yên tâm để thảo luận, đưa ra quyết định của mình.

Có thể nói, kết quả kiểm toán trong 30 năm xây dựng và phát triển của KTNN đã góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hoàn thiện thể chế đất nước, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trên chặng đường phát triển tiếp theo, với khát vọng cống hiến cùng phương châm hành động luôn đề cao giá trị cốt lõi: “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”, KTNN sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, cùng cả nước thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển bền vững.

"KTNN có vai trò rất lớn và có vị trí quan trọng trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát kinh tế tài chính của đất nước. Các báo cáo của KTNN là tiếng nói của cơ quan chuyên môn, mang giá trị về thông tin và mang tính pháp lý, làm căn cứ cho việc thảo luận, quyết định và giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước".

TS. Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán nhà nước: Tạo dựng niềm tin, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công