Sáng 17/7, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi tiếp xã giao Đoàn Chủ tịch KTNN Lào do Chủ tịch Viengthavisone Thephachanh làm Trưởng đoàn.
Tham gia buổi tiếp xã giao về phía KTNN Lào có Phó Chủ tịch Toy Phonthilath; lãnh đạo KTNN khu vực Nam Lào, đại diện lãnh đạo một số Vụ của KTNN Lào. Bà Khamphau Anthavan - Đại diện Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam cùng tham dự buổi tiếp xã giao.
Về phía KTNN Việt Nam có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.
Tại buổi tiếp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh và hoan nghênh Đoàn đại biểu cấp cao KTNN Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 16 - 20/7.
Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như tình hình hoạt động của KTNN Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2025 là năm mà Việt Nam kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Đây cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, biến động, Đảng và Nhà nước vẫn giữ vững mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế hơn 8%. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang triển khai quyết liệt 4 nghị quyết được coi là “bộ tứ trụ cột” đưa đất nước “cất cánh”. 6 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%.
Thông tin về hoạt động của KTNN Việt Nam, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Để phù hợp với mô hình chính quyền mới, KTNN đã sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số lượng KTNN khu vực. Về công tác đảng, Đảng bộ KTNN là đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Quốc hội kể từ tháng 2/2025 và đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VIII.
Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VIII đã đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế của nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030 với 4 trụ cột: Thứ nhất, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy KTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của KTNN, trong đó xây dựng Chiến lược trong giai đoạn tới, tầm nhìn 2040-2045, nghiên cứu sửa Luật KTNN vào năm 2027. Thứ ba, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán. Thứ tư, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.
Về hoạt động kiểm toán, đến thời điểm này, KTNN đã triển khai 118/156 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch và cơ bản kết thúc các Đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2024 của các Bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, KTNN đã rà soát, sắp xếp nhân lực, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động có liên quan. Đặc biệt, KTNN Việt Nam đã thí điểm ứng dụng AI trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo các phát hiện, kiến nghị kiểm toán được chính xác.
Cảm ơn những chia sẻ của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh bày tỏ niềm vui mừng khi Đoàn công tác của KTNN Lào có cơ hội sang thăm và làm việc tại KTNN Việt Nam, cảm ơn các đồng nghiệp KTNN Việt Nam luôn đồng hành và hợp tác với KTNN Lào trong suốt thời gian qua. “Chuyến thăm và làm việc lần này của Đoàn công tác KTNN Lào sẽ góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào” - Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh nhấn mạnh.
Về tình hình hoạt động của KTNN Lào, 6 tháng đầu năm 2025, KTNN Lào đã tiến hành kiểm toán 108/154 đơn vị, đạt trên 70% kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán, KTNN Lào luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của KTNN Việt Nam, đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác đào tạo, tập huấn đối với những chủ đề kiểm toán mà hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch KTNN Lào cũng cho biết: Một trong những thách thức của KNTN Lào là việc tổ chức theo dõi, thực hiện kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, hiện nay, KTNN Lào chưa có điều kiện vận dụng AI vào hoạt động kiểm toán. Hiến pháp Lào sửa đổi đã bổ sung vai trò của cơ quan kiểm toán trong việc tham gia ý kiến vào dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phân bổ ngân sách trung ương (NSTW). “Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ quý báu của KTNN Việt Nam về các vấn đề này” - Chủ tịch KTNN Lào nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh cũng gửi lời chúc mừng KTNN Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 31 năm Ngày thành lập, chúc mừng những kết quả quan trọng KTNN Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Cũng trong sáng 17/7, hai Cơ quan KTNN đã tổ chức Hội nghị chuyên môn với chủ đề “Việc tham gia của KTNN vào chu kỳ lập kế hoạch NSNN và Cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán”. Đây là dịp để hai bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu và trao đổi những cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công. Thông qua đó, Hội nghị không chỉ làm rõ hơn vai trò của cơ quan KTNN trong việc tham gia lập kế hoạch ngân sách và giám sát tài chính công, mà còn khẳng định trách nhiệm chung trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính:
Thứ nhất, về sự tham gia của KTNN vào chu kỳ lập kế hoạch NSNN. Đây là chủ đề khẳng định vai trò và sự đóng góp của KTNN Việt Nam trong quá trình các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ “xem xét dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN”. Những đóng góp này giúp đảm bảo việc sử dụng ngân sách quốc gia một cách hiệu quả, đúng mục tiêu và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, về cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt nhằm đảm bảo tính hiệu lực và giá trị thực tiễn của kết luận kiểm toán. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo về tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Giá trị của báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Do đó, việc theo dõi, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán không chỉ giúp nâng cao chất lượng quản lý tài chính công mà còn góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, lành mạnh.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch KTNN Lào sẽ tiếp kiến Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam.