Kiểm tra chuyên ngành: Hải quan cũng bức xúc

Thúy Hằng 11/01/2017 11:25

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết một số kết quả công tác trọng tâm năm 2016, phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2017 của Tổng cục Hải quan diễn ra vào sáng 10/1, đại diện nhiều cục Hải quan cho rằng, cần thống nhất trong kiểm tra chuyên ngành, tránh việc một sản phẩm nhiều bộ quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho cả cơ quan hải quan.

Kiểm tra chuyên ngành: Hải quan cũng bức xúc

Cán bộ Cục Hải quan Cần Thơ kiểm tra hàng hóa trên tàu thủy.

Tăng cường hậu kiểm

Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc khẳng định, quản lý chuyên ngành là vấn đề bức xúc từ lâu đến nay, bản thân doanh nghiệp và hải quan cũng mất khá nhiều thời gian về vấn đề này.

Hiện nay danh mục hàng hóa nhập khẩu về được quản lý theo mã số HS thuộc quy định của Bộ Tài chính. Nhưng có một số sản phẩm nhiều bộ cùng quản lý dẫn đến việc áp mã số không rõ ràng, doanh nghiệp và cơ quan hải quan rất hay tranh luận về vấn đề đề này.

Chẳng hạn đối với mặt hàng sữa thành phẩm, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế với các tiêu chuẩn rất khắt khe.

Thế nhưng, đối với sữa nguyên liệu, là sản phẩm thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật nên thuộc diện phải kiểm dịch của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Ông Nguyễn Tiến Lộc, tại sao không đưa sữa thành phẩm và sữa nguyên liệu về cùng một Bộ để quản lý hợp lý hơn, như thế mới thống nhất được các mã số trong danh mục hàng hóa.

Vẫn theo ông Lộc, việc xuất trình mẫu kiểm tra chuyên ngành cũng đang khá chồng chéo. Cơ quan hải quan lấy mẫu kiểm tra ngay tại lô hàng container, trong khi đó doanh nghiệp lại xuất trình mẫu sản phẩm do doanh nghiệp tự lấy dẫn đến việc, cùng một lô hàng nhưng mẫu kiểm tra khác nhau.

Ông Lộc kiến nghị, cần có sửa đổi để việc lấy mẫu kiểm tra hàng hóa được thực hiện ngay tại cơ quan hải quan cửa khẩu, chống gian lận thương mại.

Trả lời kiến nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, mã hàng hóa sẽ được chuẩn hóa theo quy ước quốc tế HS về kiểm tra chuyên ngành.

Đại diện nhiều cơ quan hải quan cũng cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hiện nay quá nhiều.

Văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành quy định Danh mục mặt hàng phải kiểm tra nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; chưa ban hành đầy đủ danh mục hàng hóa kèm theo mã số HS; phạm vi mặt hàng phải KTCN tại khâu thông quan còn quá rộng. Những điều này dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Một câu chuyện bức xúc về kiểm tra chuyên ngành cũng từng được ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục Trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh kể: Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đang vướng ở việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quà biếu, tặng nhập khẩu do đa dạng về chủng loại.

Trong khi phải tiếp nhận nhiều tờ khai hàng hóa mà những mặt hàng này không có cơ sở quy chuẩn để làm căn cứ kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài... khiến cho cán bộ hải quan lẫn người dân khó có tiếng nói chung

Tập trung chống gian lận thương mại

Năm 2017, nhiệm vụ ngành Hải quan được Bộ Tài chính giao là dự toán thu 285.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với dự toán thu năm 2016. Để thực hiện được điều này, cơ quan hải quan bắt buộc tăng công tác kiểm soát, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Ông Lưu Mạnh Tưởng- Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo, tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu hiện có để xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hện kiểm tra trong thông quan hoặc sau thông quan để làm rõ hành vi vi phạm, thu đủ thuế.

Tập trung kiểm tra, rà soát một số lĩnh vực trọng tâm như: Phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế; xuất xứ hàng hóa; trị giá hải quan, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xác định và xử lý nợ...

Toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại: Chủ động rà soát, kiểm tra các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn... các mặt hàng trọng tâm trọng điểm, xác định các dấu hiệu nghi vấn khai sai số lượng, trị giá, thuế suất..., đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, chống gian lận thương mại trong khâu làm thủ tục hải quan. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo các chuyên đề chống thất thu thuế..

Từ 16/12/2015 đến 15/12/2016, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.489 vụ việc vi phạm, giảm 21,52%; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 416 tỷ đồng, giảm 9,94%; thu ngân sách đạt hơn 171 tỷ đồng, giảm 23,25%; Cơ quan hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 41,18%; Đề nghị các cơ quan khác khởi tố 112 vụ, tăng 19,15% (so với cùng kỳ năm 2015); Ban hành 104 quyết định tịch thu hàng vô chủ do không xác định được chủ sở hữu; Xử lý 192/208 container hàng hóa vi phạm; Xử lý 20 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đạt chất lượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm tra chuyên ngành: Hải quan cũng bức xúc