Trong khi các cơ quan quản lý nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc có nhiều doanh nghiệp (DN) kêu bị kiểm tra chuyên ngành “hành” vẫn khá phổ biến.
Doanh nghiệp vẫn kêu khổ vì kiểm tra chuyên ngành.
DN kêu đội chi phí
Hồi tháng 9, nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phản ánh về thực trạng yêu cầu phải có giấy kiểm dịch từ Cục Thú y. Cụ thể, DN phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch từ nước nhập khẩu đối với các lô nguyên liệu thủy sản khai thác được đóng container từ trực tiếp các tàu khai thác và đưa về Việt Nam. Phía DN cho rằng việc nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác không thể có giấy chứng nhận vì hàng hóa không qua bất kỳ nhà xưởng nào.
Rồi đến DN sữa cũng phản ánh về sản phẩm sữa nhập khẩu, nói rằng thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1-2 tuần. Phía Hiệp hội sữa cho rằng, 100% lô hàng và sản phẩm sữa khi nhập khẩu về Việt Nam đã được kiểm tra trước bởi nước xuất khẩu, và cấp chứng nhận y tế an toàn cho người sử dụng. Hiệp hội Sữa kiến nghị, với các sản phẩm sữa đã có chứng nhận y tế cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận an toàn cho người dùng, cần được miễn kiểm dịch. Một sản phẩm chỉ cần được kiểm tra bởi 1 bộ quản lý, nếu không DN nhập khẩu về sẽ rất tốn kém.
Cộng đồng DN cho rằng, việc kiểm tra chuyên ngành nên quy về một đầu mối. Ông Phạm Thanh Bình - nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cũng từng cho ý kiến rằng việc thực hiện kiểm dịch cần thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho DN và bám sát hơn với thông lệ quốc tế.
Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển DN dưới góc nhìn từ DN, có chỉ rõ kết quả điều tra từ khoảng 10.000 DN như sau: Tỷ lệ DN bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm vẫn lên đến 39,8%. 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Như vậy có thể thấy rằng, việc DN vẫn bị kiểm tra chuyên ngành “hành” là điều khá phổ biến. Cộng đồng DN cho rằng, đối với các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm chi phí.
Ông Nguyễn Trần Hiệu - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan khẳng định, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là phương pháp quản lý mà hải quan hiện đại trên thế giới áp dụng và ngành hải quan nước ta cũng đã áp dụng từ cách đây khá lâu. Những vướng mắc hiện nay khiến người dân và DN mất khá nhiều thời gian thực hiện là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) do các bộ, ngành quản lý. Do đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành để cải tiến phương pháp KTCN.
Tập trung vào hậu kiểm
Hiện có 13 bộ, ngành thực hiện sửa đổi 81/87 các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hàng hóa KTCN theo hướng giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra trong thông quan và chuyển sang sau thông quan.
Phía Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, cần tăng cường quản lý rủi ro và công nhận lẫn nhau; công nhận kết quả kiểm tra của các nước tiên tiến khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện nay, thực tế là các danh mục hàng hóa xuất/nhập khẩu cũng chưa được ban hành đầy đủ danh mục quy chuẩn đi kèm, gây khó khăn cho công tác thông quan hàng hóa. Thời gian tới, các bộ, ngành cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến thông quan hàng hóa.
Ngày 21/11 vừa qua, Bộ Tài chính cũng phát đi thông báo cắt giảm, đơn giản hóa 176 điều kiện kinh doanh. Cụ thể, lĩnh vực Thuế cắt giảm 7 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 2 TTHC, trong đó bãi bỏ các thủ tục liên quan đến: Khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm viễn thông; thủ tục khai khoản thu điều tiết tháng, năm; thủ tục hoàn thuế GTGT đối với một số sản phẩm máy móc; thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện.
Lĩnh vực Hải quan cắt giảm 5 TTHC, đơn giản 9 TTHC, trong đó bãi bỏ thủ tục tư vấn cho công dân và DN về thủ tục hành chính hải quan; thủ tục cấp lại danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế và phiếu theo dõi trừ lùi; thủ tục sao y tờ khai Hải quan, thủ tục bảo lãnh chung và riêng; đơn giản hóa 5 loại giấy tờ có trong hồ sơ thuộc thủ tục công nhận đủ điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế.