Ở một số trường đại học (ĐH), để bù đắp số chỉ tiêu một số ngành không tuyển sinh được, các trường đang “vượt đèn đỏ” đối với một số ngành “hot”.
“Mạnh dạn” vượt rào
Trong thông báo của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, năm nay có 943 thí sinh trúng tuyển ngành quản trị kinh doanh của trường theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trong đề án được công khai trước đó, chỉ tiêu dành cho phương thức này là 60, nghĩa là vượt gấp khoảng 16 lần so với chỉ tiêu.
Trường ĐH Lao động - Xã hội có ngành Tâm lý có tới 354 thí sinh trúng tuyển trên tổng số 40 chỉ tiêu, tức là tuyển vượt gần 800% chỉ tiêu. Tương tự, ngành Tài chính - ngân hàng vượt 652%, ngành Kinh tế vượt 542%, ngành Quản trị kinh doanh vượt 490%... Xét trên tổng quy mô, số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp của Trường ĐH Lao động - Xã hội vượt trên 317%. Trường ĐH Đồng Nai, ngành Giáo dục tiểu học có 350 chỉ tiêu nhưng đã có 546 thí sinh xác nhận nhập học; ngành Ngôn ngữ Anh có 283 thí sinh nhập học trong khi chỉ tiêu là 100…
Mặc dù số thí sinh gọi trúng tuyển và số thí sinh nhập học/chỉ tiêu là hai thông số khác nhau nhưng nhìn vào những con số “trên trời”, không ít người đặt câu hỏi về vấn đề chất lượng đào tạo, thương hiệu của các trường đến đâu để phải gọi dư đến 500 em cho một ngành học? Với các phương thức khác như xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ… thì tỷ lệ nhập học thấp là có thể lý giải. Còn với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đến nay vẫn là phương thức tuyển sinh chính của đa số các trường thì với kinh nghiệm tuyển sinh qua nhiều năm, các trường nên tính toán điều chỉnh dựa trên phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố để gọi tăng số lượng thí sinh trúng tuyển ở mức vừa đủ, tránh “tràn chỉ tiêu”.
Không phải chỉ trong mùa tuyển sinh năm nay mới có tình trạng các trường ĐH đưa ra số lượng trúng tuyển cao hơn so với chỉ tiêu công bố. Nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận việc gọi dôi dư thí sinh trúng tuyển chủ yếu xảy ra ở nhóm trường top giữa. Để khắc phục tình trạng trên, các trường có cùng nhóm ngành đào tạo tương đương, có thể cùng kết hợp để tuyển sinh, lọc ảo.
Hậu kiểm và xử phạt
Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP Chính phủ, với nhóm vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt tiền cao dần lên theo cấp, bậc học. Cụ thể, ở trình độ ĐH, mức phạt từ 5 - 70 triệu đồng. Trong đó, trường tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; tuyển vượt từ 10% đến dưới 15% phạt từ 10 - 30 triệu đồng; tuyển vượt từ 15 đến dưới 20% phạt từ 30 - 50 triệu đồng; tuyển vượt từ 20% trở lên bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng mức phạt này quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các trường bởi với mức phạt tối đa là 100 triệu đồng chỉ bằng nguồn thu học phí của 2-3 sinh viên trong 2 năm đầu ĐH. Tuy nhiên, PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đối với trường công, mức phạt 70 - 100 triệu đồng là cao. Bởi trường công thì liên quan tới ngân sách nhà nước, mà dùng ngân sách nhà nước để nộp phạt là một vấn đề lớn. Ngay như một trường công tự chủ như Bách khoa Hà Nội, giả sử bị phạt thì lấy tiền đâu để nộp phạt?
Tuy vậy, đó chỉ là câu chuyện dưới góc độ tài chính. Nếu xét về quyền lợi thí sinh, nếu số lượng thí sinh nhập học thực tế tăng đột biến, vượt quá xa so với tỷ lệ cho phép sẽ khiến các nguồn lực phục vụ cho công tác đào tạo “quá tải”. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH được xây dựng dựa trên tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trong đó cơ bản là giảng viên cơ hữu, số lượng chương trình đào tạo đã được kiểm định, diện tích sàn/sinh viên. Khi số thí sinh nhập học quá nhiều, trường sẽ phải gánh thêm một số lượng sinh viên phát sinh của ngành học đó hoặc hàng loạt ngành học trong khi các chỉ số như đăng ký ban đầu không hề tăng lên nên người học sẽ chịu thiệt.
Chung nỗi lo “vỡ trận”, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, dù chấp nhận một phần của việc vượt chỉ tiêu nhưng “gọi” vượt đến 10-16 lần như một số trường hiện nay thì khó tưởng tượng. Có thể các ngành tăng chỉ tiêu ở khối ngành hot do các ngành ít hot hơn khó tuyển sinh nhưng với cách làm như vậy sẽ khiến nguồn nhân lực được đào tạo ra vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Tình trạng thất nghiệp gia tăng hoặc làm trái ngành, trái nghề… Đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội cũng là vấn đề đặt ra khi tuyển sinh mập mờ.
“Tăng cường hậu kiểm sau tuyển sinh không chỉ nhằm phát hiện các hành vi gian dối, các vi phạm “nhãn tiền” như báo chí đang nêu ra mà phải là việc làm thường xuyên và trên diện rộng với tất cả các trường. Không nên chỉ thanh tra ngẫu nhiên một vài đơn vị và xử lý âm thầm mà nên công khai để xã hội và người dân được biết. Từ đó, tạo cơ sở, niềm tin cho người dân và thí sinh tham khảo lựa chọn trong các mùa tuyển sinh tiếp theo”- ông Khuyến nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), sau ngày 31/12, Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt quá số lượng đã xác định.