Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có mặt tại phiên họp báo Chính phủ cho biết: Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác vào kiểm tra toàn bộ hồ sơ bổ nhiệm Giám đốc Sở tuổi 30 xem đã đúng hay chưa.
Sức mua của người dân có xu hướng tăng. (Ảnh: TL).
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày hôm qua (1/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Không được thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, phải quyết liệt hơn nữa với các việc làm cụ thể, không chỉ trên giấy tờ mà trong cả thực tiễn”.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì họp báo thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về phiên họp này.
Không lo giảm phát
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong 10 năm qua, không phải là biểu hiện của giảm phát. Mặc dù, nhiều tháng lạm phát xuống rất thấp so với thường lệ, nhưng theo Bộ trưởng Nên, đây là diễn biến có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh.
“Trên thực tế, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: Tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,3%). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước: Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%)”, ông Nên phân tích.
Cũng liên quan đến vấn đề giá cả, tình trạng giá hàng hóa, đặc biệt là giá cước vận tải, taxi, thực phẩm chưa điều chỉnh tương ứng với việc giảm giá xăng đã kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, theo quy định pháp luật về quản lý giá, cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước vận tải hành khách bằng taxi, cước vận tải bằng xe buýt thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá. Đối với các mặt hàng này, cơ quan chức năng theo thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá và có những điều chỉnh phù hợp với biến động giá xăng dầu trên thị trường.
Người phát ngôn Chính phủ cũng nêu quan điểm của Chính phủ về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành kết luận thanh tra một số dự án BOT, trong đó không thống nhất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tổng mức đầu tư các dự án, chênh lệch nghìn tỷ đồng. Bộ GTVT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ông Nên cho biết, Thanh tra Bộ KH&ĐT đang tiến hành thanh tra đối với 17 dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BT tại Bộ GTVT. Kết quả thanh tra đối với từng dự án cụ thể được đoàn Thanh tra lập và công bố theo quy định.
Khi kết thúc kế hoạch thanh tra, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp chung kết quả thanh tra 17 dự án, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2016.Khi Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra 17 dự án, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về sự lo ngại sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi có thể “thua trên sân nhà” khi Hiệp định TPP được ký kết, các nước có nền nông nghiệp mạnh, nhất là trong chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Australia có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam, Bộ trưởng Nên cho biết: Việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho nước ta, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản như thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò và hoa quả.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Đoàn đàm phán của ta đặc biệt quan tâm tới những lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mở thêm thị trường cho xuất khẩu nông sản; thực hiện bảo hộ hợp lý, nhất là những ngành có khả năng cạnh tranh thấp để có thêm thời gian cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả.
Theo tinh thần đó, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ được thực hiện theo lộ trình hợp lý để các ngành chăn nuôi nước ta có điều kiện vươn lên cạnh tranh. Theo tính toán thì ngành này sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định.
Kiểm tra việc bổ nhiệm Giám đốc sở KH&ĐT Quảng Nam
Tại cuộc họp báo, câu chuyện bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam cũng nhận được sự quan tâm của báo chí và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có mặt tại phiên họp báo Chính phủ đã trả lời: “Bộ Nội vụ đã nắm bắt thông tin, tuy nhiên để có kết luận chính thức về quy trình, điều kiện, thủ tục, Bộ đã thành lập tổ công tác vào kiểm tra toàn bộ hồ sơ bổ nhiệm xem đã đúng hay chưa”.
Ông Tuấn lưu ý, bên cạnh các quy định về chức danh quản lý của Nhà nước, các bộ ngành, địa phương có thể căn cứ vào thực tế của mình để bổ nhiệm, tuy nhiên không được trái với quy định. Bộ Nội vụ sẽ có cuộc họp báo riêng để thông báo về vấn đề này.
Về vấn đề quy hoạch báo chí, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc cơ quan báo chí chịu tác động của Quy hoạch lại không được tham gia cuộc họp của Bộ TTTT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ đã trực tiếp giao Bộ TTTT tiếp tục triển khai, lắng nghe rồi đề xuất kiến nghị với Thủ tướng trên tinh thần là không gây xáo trộn, phải làm theo lộ trình từng bước.
Hiện Bộ TTTT đang đi từng địa phương lấy ý kiến đóng góp rồi tổng hợp báo cáo, lúc đó ta mới bàn kỹ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TTTT khẳng định: Quy hoạch báo chí thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ta sẽ làm thận trọng, có lý có tình.