Ngày 12/10, thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, 9 tháng đầu năm đã tổ chức 42 đoàn thanh tra chuyên ngành, trong đó có 15 đoàn thanh tra chuyên ngành du lịch tới 10 cơ quan quản lý nhà nước, 237 tổ chức, cá nhân, trong đó có các cơ sở lưu trú.
Thanh tra Bộ VHTTDL đã xử phạt 12 đơn vị, số tiền phạt 86 triệu đồng. Những trường hợp bị xử phạt là do liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của du khách. Qua thanh tra cũng phát hiện một số cơ sở lưu trú du lịch (đặc biệt là các cơ sở được công nhận tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao) có tổ chức các hoạt động thể dục thể hình và fitness, bơi, quần vợt, yoga... chưa được Sở VHTTDL cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
Theo ông Lê Thanh Liêm - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, các cơ sở lưu trú du lịch cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao chủ yếu để phục vụ khách du lịch lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch với mục đích giải trí, thư giãn chứ không tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu hay bán vé kinh doanh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là việc cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao của các cơ sở lưu trú du lịch có được coi là kinh doanh hoạt động thể thao hay không?
Trong khi đó, theo đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các dịch vụ bổ trợ, hoạt động thể thao như bể bơi, tennis, phòng tập thể dục thể hình và fitness tại cơ sở lưu trú hầu hết chỉ phục vụ khách lưu trú nên chỉ cần đảm bảo các tiêu chí an toàn chứ không cần phải có giấy phép kinh doanh lĩnh vực này.
Vì chưa có ý kiến thống nhất nên Thanh tra Bộ VHTTDL đề xuất lãnh đạo Bộ giao Cục Thể dục thể thao chủ trì phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Vụ Pháp chế thống nhất tham mưu quy định, hướng dẫn cụ thể.
Đáng chú ý, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 279 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hợp đồng kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch. Trong khi Luật Du lịch năm 2017 chưa có quy định cụ thể về hợp đồng kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch. Nội dung trong các đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Bộ VHTTDL, vì thế đơn vị đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan Tòa án nhân dân, cơ quan Thuế, cơ quan Cảnh sát điều tra. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý đơn, Thanh tra Bộ VHTTDL cũng đã có các văn bản khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã ban hành văn bản số 906 ngày 6/6/2023 khuyến cáo về “sở hữu kỳ nghỉ”, được đăng trên cổng thông tin điện tử của Cục.
“Sở hữu kỳ nghỉ” thời gian qua đã nhận được nhiều khiếu kiện của người dân, cho rằng có hành vi lừa đảo. Chính vì vậy, Thanh tra Bộ VHTTDL và đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thống nhất đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) - cơ quan quản lý nhà nước - đưa hợp đồng liên quan đến “sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước. Trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch đề nghị phải có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh mua bán kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch để có căn cứ quản lý thống nhất và hiệu quả.
Theo bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, cùng với việc tiếp tục khuyến cáo người dân cẩn trọng trước khi ký kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” sẽ đề nghị đưa hợp đồng liên quan đến “sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước.