Kiên Giang: Hiệu quả từ trồng sen trên đất lúa

Lê Sen 05/02/2018 15:00

Nằm trong vùng lũ, tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều nông dân gặp khó khăn khi sản xuất lúa, nhất là vụ lúa hè thu có khi bị mất trắng. Ông Tạ Văn Chung (45 tuổi), ngụ ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng sen lấy gương, bước đầu phát huy hiệu quả.

Kiên Giang: Hiệu quả từ trồng sen trên đất lúa

Trồng sen trên nền đất lúa ít tốn công chăm sóc.

Để chuyển từ đất trồng lúa sang trồng sen, ông Chung học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người trồng trước ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, sau đó về quê đầu tư làm bờ bao cao ráo để dự trữ nước, chọn giống tốt nhằm tránh rủi ro. Bước đầu, ông đầu tư trồng 7 ha, sau 4 tháng trồng cho thu hoạch. Tính trung bình mỗi 1 ha sen thu về 5 tấn gương, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng.

Sau khi trồng 7 ha đầu tiên, thấy sen lên đều, ít hao hụt và khả năng thành công cao, ông Chung tiếp tục đầu tư trồng thêm 11 ha. Hiện nay, diện tích sen đã trồng phát triển tốt, trong tháng 1-2018 sẽ cho thu hoạch.

Ông Chung cho hay, trồng sen bước đầu cho thấy một số lợi ích như ít rủi ro, đầu ra ổn định, thu nhập cao hơn trồng lúa và ít công chăm sóc, giúp cải tạo được nguồn nước nhiễm phèn. Lợi cho nông dân hơn hết là sau khi đầu tư ban đầu, đến 3 năm sau mới đầu tư trồng mới lại và mỗi năm cho thu hoạch hai đợt.

Ông Chung cũng chia sẻ, nên chọn giống có một lá non, còn rễ, có con nhỏ và ngó sen cặp gốc, trồng sẽ mau phát triển. Phải xới đất 2 - 3 lần, san phẳng mặt ruộng, tạo đường nước để dễ thay nước khi sen ra bông, không bị thối ngó và phải xịt thuốc diệt ốc trước khi trồng sen. Ruộng sen nên có lớp bùn đáy dày khoảng 20 - 30 cm. Mật độ trồng: cây cách cây 2,5 m, hàng cách hàng 2,5 m. 1 ha trồng khoảng 2.000 bụi sen. Nếu trồng dày sen không đủ diện tích phát triển, cho năng suất thấp.

Khi sen còn nhỏ giữ nước trên ruộng 10 cm. Ở giai đoạn này sen thường bị bệnh thối cây nên theo dõi và cấy dặm lại. Khi sen được 1 tháng tuổi, giữ mực nước trung bình trên ruộng 15 – 20 cm. Sen khoảng 20 - 30 ngày bón phân lần 1 (DAP, URE, 20-20-15), 2 - 3 kg/1.000 m2. Sen 60 - 70 ngày bón phân lần 2 (DAP, URE, 20-20-15), 10 - 15 kg/1.000 m2. Dùng thuốc kích thước sinh trưởng Atonik và Comcat với liều lượng: 2 gói/1.000 m2. Ngoài việc bón phân cân đối, khi sen bắt đầu ra bông thì 3 - 4 ngày phải thay nước để hạn chế bệnh làm thối ngó sen.

Sau khi trồng 1,5 - 2 tháng lá sen trải rộng khắp mặt ruộng, khoảng 60 - 70 ngày ruộng sen bắt đầu ra bông (bông gió) và gương sen phát triển, hạt chín. Khoảng 20 ngày tiếp theo sẽ cho thu hoạch. Sau 90 - 100 ngày bắt đầu thu hoạch, mỗi đợt thu gương sen cách nhau 3 ngày. Thời gian thu hoạch khoảng 45 ngày thì kết thúc vụ sen.

Ông Phạm Văn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Sơn (huyện Hòn Đất) cho biết, trồng sen là mô hình mới ở địa bàn xã. Từ hiệu quả bước đầu của hộ ông Tạ Văn Chung, xã Bình Sơn xem xét phương án quy hoạch lại một số nơi bị ảnh hưởng của lũ để chuyển sang trồng sen. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động những bà con có điều kiện chuyển sang trồng sen. Về lâu dài, xã Bình Sơn kiến nghị huyện Hòn Đất có chính sách hỗ trợ cho nông dân có nhu cầu trồng sen vay vốn để đầu tư, từng bước giúp nông dân xóa nghèo.

Việc chuyển đổi sang trồng sen không chỉ giúp ông Chung có thu nhập mà nhiều người dân trong ấp còn có việc làm. Đến kỳ thu hoạch gương sen, khoảng15 lao động tại địa phương có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên Giang: Hiệu quả từ trồng sen trên đất lúa