Kiên Giang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về 'Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới'

Thanh Minh - Phương Vũ 04/04/2023 13:53

Ngày 4/4, Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Đỗ Thanh Bình – Bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang; ông Mai Văn Huỳnh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang; ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Văn phòng Bộ Công an, Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân, Đảng ủy Quân khu 9, Hải đoàn Biên phòng 28, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang...

Quang cảnh hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” được Ban Chấp hành Trung ương thông qua ngày 25/3/2013, ban hành chính thức bằng Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013. Để triển khai thực hiện Nghị quyết này, Tỉnh uỷ Kiên Giang có Chương trình hành động số 46- CTr/TU ngày 10/02/2014 cụ thể hoá thực hiện.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành đã kịp thời quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết.

Nhận thức, tư tưởng và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng mạnh từ 56.171 tỷ đồng năm 2013 lên 68.436 tỷ đồng năm 2022, vươn lên đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư; xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

Văn hoá, giáo dục, y tế của địa phương có nhiều tiến bộ; công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình chính sách, giải quyết an sinh xã hội thực hiện tốt. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ gần 45 triệu đồng/người vào năm 2013 tăng lên trên 66 triệu đồng/người trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,92%... đã góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Chủ tọa hội nghị.

Tỉnh cũng điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng khu kinh tế biển, khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông... để bảo đảm tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.

Địa phương cũng chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và thành lập Hải đội Dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới theo chủ trương của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với chính quyền và lực lượng vũ trang các tỉnh giáp biên của Campuchia; giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp xảy ra trên tuyến biên giới, biển với tinh thần đoàn kết, tôn trọng chủ quyền...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trung tướng Lê Tấn Tới ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng cùng những kết quả đạt được của Đảng bộ Kiên Giang.

Trung tướng Lê Tấn Tới khẳng định, trong mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 6 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI thì tỉnh Kiên Giang đã đạt rất xuất sắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại hội nghị.

Với vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI là hết sức quan trọng. Thế trận lòng dân được xây dựng ngày càng vững chắc, nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh và đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao và không ngừng được lan tỏa. Tỉnh ủy Kiên Giang đã rút ra được 4 bài học từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết TW 8 khóa XI. Đây là những kinh nghiệm quý báu từ tỉnh để Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu và đề xuất Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong 10 năm tới.

Về phương hướng, nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc những năm tiếp theo, Trung tướng Lê Tấn Tới lưu ý Đảng bộ Kiên Giang cần tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác quốc phòng an ninh và nhiệm vụ bảo vệ tố quốc trong tình hình mới, nhất là các nội dung mới, còn nhiều ý kiến khác nhau như vấn đề chiến tranh trên không gian mạng, gián điệp mạng, chiến tranh ủy nhiệm, an ninh trong chuyển đổi số Việt Nam; về đối tác, đối tượng trong tình hình mới..vv..

Thời gian tới, nhiều dự án, công trình, tuyến giao thông, sân bay, bến cảng được quy hoạch nâng cấp, xây dựng có tính lưỡng dụng, nhất là các công trình trên tuyến biên giới, đảo như: Đường tuần tra biên giới, hệ thống giao thông quanh các đảo có dân sinh sống huyện Kiên Hải, TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên và xã đảo Thổ Châu và các công trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng khác trên địa bàn tỉnh đi vào sử dụng, thì các giải pháp về quốc phòng, an ninh như thế nào? Cần nghiên cứu phương án thực hiện để vừa đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế vừa phục vụ quốc phòng và an ninh. Đồng thời, Tiếp tục hoàn thiện thế trận liên hoàn trong chiến lược quốc phòng, an ninh của tỉnh và khu vực.

Trung tướng Lê Tấn Tới cũng đề nghị, tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiếp tục nghiên cứu về những công trình lưỡng dụng, về các dự án khoa học công nghệ tiên tiến dân sự, về chuyển đổi số quốc gia của tỉnh… Tiếp tục củng cố, tăng cường sức mạnh Quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Kiên Giang là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế biển, có lượng phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển lớn nhất cả nước, cần nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc khi được huy động, đồng thời tỉnh có cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân ra các đảo sinh sống, làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại, nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, nhất là đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhân dân. Chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo đúng, sát tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa để lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý tốt, hiệu quả các tình huống, vấn đề phát sinh về quốc phòng an ninh, không để bị động, bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên Giang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về 'Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO