Mới đây ngành Nội vụ yêu cầu các địa phương thực hiện giảm tối thiểu 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2026 so với năm 2021 và xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế từng năm cho giai đoạn 2023 - 2026. Điều này khiến các địa phương, nhà trường đã rối càng thêm rối, bởi để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường thiếu giáo viên ở các môn học mới hoặc có giáo viên nhưng chưa đáp ứng về bằng cấp nên phải vừa dạy vừa tuyển mới, vừa đào tạo bổ sung...
Bà Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường gặp khó khăn đối với giáo viên Tiếng Anh vì theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, với thời lượng 4 tiết/tuần thay vì là môn học tự chọn, 2 tiết/tuần như trước. Không thiếu nhưng với môn Tin học và Công nghệ lớp 3 yêu cầu giáo viên Tin học phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định mới được dạy, nên nhà trường đang phải tự tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên môn này.
Là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhất tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk G’long đang thiếu 108 giáo viên. Phương án hiện nay là UBND huyện linh động bố trí dạy thêm giờ, hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế. Cũng vì thiếu giáo viên, địa phương này chưa huy động được hết số trẻ trong độ tuổi đến trường. Hiện Đắk G’long có gần 1.400 trẻ từ 3-5 tuổi chưa đến trường. Nghịch lý là dù thiếu giáo viên nhưng hàng năm, huyện phải thực hiện tinh giản biên chế 10%. Cụ thể, mấy năm qua, địa phương đã tinh giản hơn 20 biên chế giáo viên theo quy định.
Từ những bất cập này, nhiều địa phương kiến nghị cần xem xét việc thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục. Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị các bộ, ngành xem xét, tham mưu không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm đảm bảo đội ngũ đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hàng năm rất cao.
Cũng liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế giáo viên, bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện nay tỉnh đang thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị; thiếu giáo viên, còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, chưa cân đối về cơ cấu; chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để phát triển giáo dục ngoài công lập; chưa có trường đại học đóng trên địa bàn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng gặp khó khăn.
“Các bộ, ngành cần xem xét lại việc tinh giản biên chế giáo dục; chế độ chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm mon đang công tác ở vùng sâu vùng xa; chế độ ưu tiên cho học sinh khó khăn về tiếp cận sách giáo khoa mới...” - bà Minh kiến nghị.
Tuyển chưa đủ biên chế được giao nhưng ngành GDĐT đang phải đối mặt với bài toán tinh giản biên chế là một thách thức lớn, khiến đội ngũ đã thiếu lại càng thiếu hơn. Giáo viên sẽ càng phải choàng gánh nhiều hơn nữa khối lượng và trách nhiệm công việc, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục thực hiện cuốn chiếu lên các khối lớp 4, 5, 8, 9, 11 và 12. Theo các chuyên gia giáo dục, điều này sẽ gây áp lực rất nhiều lên đội ngũ giáo viên.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GDĐT đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế với cấp học mầm non; không tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các vùng, miền trong cả nước.
Cần đảm bảo nguyên tắc có người học là phải có trường lớp và giáo viên đạt chuẩn. Với ngành giáo dục, tinh giản biên chế nên được hiểu đó là việc sắp xếp lại bộ máy, tổ chức sử dụng lực lượng cán bộ, giáo viên tại những nơi có điều kiện phù hợp, tinh giản những vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học…