Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (QTCNNS) nhà nước giai đoạn 2013-2018. Nhiều ĐB đã đề nghị, dừng hoạt động, giải thể hoặc cơ cấu lại đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không hiệu quả, hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/8. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN.
Phát sinh bộ máy, biên chế do thành lập quá nhiều quỹ
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế. Tại các địa phương có rất nhiều QTCNNS, trung bình có khoảng 10-15 quỹ. Việc thành lập quá nhiều quỹ theo quy định của các luật chuyên ngành, các Nghị định của Chính phủ và của địa phương làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế.
Bên cạnh đó, một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh, hoặc trên thu nhập của người lao động. Đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó ông Hải đề nghị, kiên quyết dừng hoạt động, giải thể hoặc cơ cấu lại đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không hiệu quả, hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN. Chỉ xem xét, thành lập mới các QTCNNS trong trường hợp thật sự cần thiết và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần rà soát bãi bỏ và không ban hành mới việc áp đặt các nguồn thu có tính chất là tương tự như một sắc thuế áp lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thu nhập của người lao động.
Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các quỹ
Qua giám sát, đoàn giám sát đã kiến nghị Chính phủ cần căn cứ vào Nghị quyết về kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các QTCNNS. Thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các QTCNNS, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cán bộ, bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn lực của quỹ có hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát đã đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với một số quỹ như: Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp; Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ Hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ Hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số quỹ gồm: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá; Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Đoàn giám sát cũng đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ hoặc trùng lặp về đối tượng hoặc trùng với nhiệm vụ chi của NSNN và thực hiện cơ cấu lại hoạt động đối với một số quỹ như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia;...
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, QTCNNS do cơ quan nhà nước thành lập hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước, nhưng cơ chế hoạt động lại chung chung. Đơn cử như cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập quỹ nhưng chưa nói là cơ quan nào có thẩm quyền thành lập quỹ? Quỹ hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước song có nhiều nội dung lại chưa độc lập khi có nhiều khoản thu trùng như thuế. Có nội dung vừa ngân sách nhà nước chi nhưng quỹ này cũng chi như vậy là trùng. Về việc này bà Nga cho rằng trách nhiệm đầu tiên là thuộc về cơ quan sinh ra quỹ.
Đưa ra dẫn chứng vừa qua sau khi vào cuộc Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện sai phạm 1.751 tỷ đồng là việc rất lớn, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, những quỹ hoạt động hiệu quả chưa cao cần phải bãi bỏ, dừng hoạt động vì trùng chức năng nhiệm vụ. Cùng chung quan điểm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, hiện có nhiều quỹ được hình thành từ “vốn mồi” của ngân sách nhà nước, sau này xã hội hóa, phát triển quỹ lên song có việc có quỹ chi không hết và gửi ngân hàng do đó cần phải chấn chỉnh tình trạng trên.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, hiện có hơn 40 loại quỹ nhưng đề nghị bãi bỏ toàn những quỹ có “thâm niên” có tác động lớn tới xã hội như: Quỹ Phòng chống thiên tai; Quỹ phòng chống tác hại HIV; Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá còn các quỹ khác “vô thưởng vô phạt” thì lại không đề cập đến. Do đó theo ông Dũng cần đánh giá lại tác động của việc bãi bỏ những quỹ có tác động lớn trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần làm rõ cơ sở pháp lý ai được thành lập quỹ? Đồng thời loại bỏ những quỹ không hoạt động, hoạt động không hiệu quả, thu vào nhiều nhưng chi rất ít để kết dư rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện có 48 quỹ bao gồm cả Trung ương và địa phương được thành lập trước khi Luật Ngân sách Nhà nước 2015 ban hành. Do đó khi đối chiếu nhiều quỹ không đáp ứng yêu cầu. Ông Dũng đồng tình với việc cần loại bỏ các quỹ hoạt động không hiệu quả song cần có lộ trình, kế hoạch để đảm bảo sự ổn định và bước đi phù hợp.