Khắc phục cho được tình trạng “cấp dưới đi hỏi cấp trên” những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Ngày 6/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết trung ương 6 khoá XIII. Dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Phát biểu kết luận, chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết trong 2 Nghị quyết về Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; và Đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng, đối với hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước là những vấn đề rất hệ trọng.
Theo ông Thưởng, vấn đề nổi lên trong 2 Nghị quyết có việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước khắc phục cho được tình trạng “cấp dưới đi hỏi cấp trên” những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc chuyện của mình. “Người ta nói khó người ta mới hỏi nhưng mà trả lời theo quy định pháp luật. Trả lời như thế cũng là cách trả lời nhưng không đầy đủ hết trách nhiệm”-ông Thưởng cho hay, và lưu ý chuyện phân cấp phân quyền đòi hỏi làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, của từng cá nhân trong bộ máy Nhà nước để làm sao đó ai cũng ý thức được quyền hạn nhiệm vụ và chức năng của mình. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ rất quan trọng rồi, vậy trách nhiệm mình ở đâu?, quyền hạn lớn thì trách nhiệm phải cao. Trong cả 2 Nghị quyết đã nêu rất rõ nên nghiên cứu học tập, quán triệt, làm sao ý thức sâu sắc được tư tưởng chỉ đạo đó để chúng ta triển khai thực hiện cho tốt.
Bên cạnh đó, theo ông Thưởng, cả 2 Nghị quyết này đều nói đến công tác cán bộ. Qua đó một lần nữa khẳng định quyết tâm cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đề cao tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phải thể chế nghiên cứu kỹ để làm sao, động viên khuyến khích đội ngũ làm việc. Tư tưởng nghị quyết cũng chỉ đạo nhấn mạnh phương châm “có vào có ra”, “có lên có xuống”.
Ông Thưởng cũng cho biết, sau Quy định 41 về từ chức miễn nhiệm, hay chủ trương bố trí lại cán bộ sau kỷ luật tại Kết luận 20 của Bộ Chính trị đã có bước đầu giải quyết được một số trường hợp và dư luận xã hội đánh giá rất cao chuyện này khi cán bộ từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có sai phạm. “Chẳng hạn như vừa rồi, các cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo. Các nhiệm kỳ trước cảnh cáo thì vẫn tại vị, vẫn làm hết nhiệm kỳ. Nhưng kỳ vừa rồi các cán bộ bị cảnh cáo đã xin thôi. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội”-ông Thưởng cho hay.
Ông Thưởng cũng cho biết, cũng có tình trạng không hề bị kỷ luật, cũng không phải là không đáp ứng được công việc nhưng cảm thấy mình bị sức ép của công việc rất nặng nề mà mình không đảm đương được thì có thể qua một công việc khác sức ép công việc ít hơn thì Đảng cũng ủng hộ.
“Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời chất vấn tại Quốc hội, được Quốc hội đánh giá thực hiện rất là tốt, nắm rất chắc, có nhiều tiến bộ. Chính phủ cũng đánh giá có nhiều tiến bộ trong thực hiện công việc. Nhưng ông Nguyễn Văn Thể nói rằng tôi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hơn 1 nhiệm kỳ rồi, công việc rất nặng nề. Có thể các đồng chí khác làm sẽ tốt hơn. Tôi mong Bộ Chính trị bố trí lại công việc. Và việc cho ông Thể thôi là phù hợp”-ông Thưởng cho biết.
Nhấn mạnh Bác Hồ có nói một câu rất hay: “chọn người, thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo”, ông Thưởng lưu ý, cần kiên quyết khắc phục hạn chế yếu kém trong đánh giá cán bộ. Bởi muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cuối cùng cũng quay trở lại vấn đề công tác cán bộ.
“Ai cũng nói tới tâm lý “sợ trách nhiệm”, “ngại trách nhiệm" của một số cán bộ đảng viên. Nhiều người dân nói đôi khi cán bộ vì “sự an toàn của mình”, đẩy hết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”-ông Thưởng cho hay.
Ông Thưởng đề nghị, sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung tiến hành tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp giúp cho các cấp ủy tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ thấm nhuần nội dung các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6. Thực hiện rõ ràng, hiệu quả với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20” để khắc phục tình trạng "nghị quyết thì rất hay nhưng thực hiện thì rất gay".