Kiên quyết xử lý dự án 'treo'

Ngọc Quang 24/10/2022 14:00

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn số 6118 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Đề nghị các địa phương tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 30/11 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều dự án bất động sản dang dở, chậm tiến độ gây lãng phí quỹ đất.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tại các địa phương còn tồn tại nhiều dự án, công trình đã được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; lãng phí đất đai, bức xúc xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện của nhiều địa phương còn chưa kiên quyết, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định và chưa xử lý hết các vi phạm theo thẩm quyền. Vì vậy, Bộ TNMT đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm; kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và gửi thông tin để đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ TNMT.

Đáng chú ý, Bộ TNMT giao Thanh tra Bộ chủ trì, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các tỉnh, thành phố có nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất mà chưa được xử lý; các dự án sử dụng nhiều diện tích đất nhưng chậm đầu tư đưa đất vào sử dụng; các dự án vi phạm chậm tiến độ đã quá lâu nhưng chưa xử dứt điểm, để hoang hóa, lãng phí đất đai.

Quy hoạch “treo”, dự án “treo” dẫn đến lãng phí rất lớn. Cuối tháng 8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 108 thực hiện Nghị quyết số 61, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Nghị quyết 108 nêu rõ, những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm được giao, nhất là chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong giai đoạn đầu. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch; Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Trước đó, tại Công văn số 4358 ngày 13/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”. Chính phủ cũng yêu cầu công khai quy hoạch và kế hoạch; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch và tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, cần xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, trong đó có việc thu hồi các dự án chậm tiến độ đồng thời xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại tài sản Nhà nước, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Nghị quyết số 115 do Chính phủ ban hành ngày 5/9/2022 nêu rõ: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai”. Theo đó, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chỉ đạo hệ thống cơ quan thanh tra các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết xử lý dự án 'treo'