Kiến trúc Việt: Từ nhà tranh đến cao ốc

Thạch Thế Vinh 02/09/2017 08:15

Từ nếp nhà tranh đến những tòa cao ốc, đó là cả một chặng đường dài của kiến trúc Việt Nam. Trên chặng đường đó, người ta có thể nhận ra sự nỗ lực và cả hạn chế của giới kiến trúc sư, từ đó cần có những điều chỉnh sâu sắc mới giúp cho kiến trúc Việt để lại dấu ấn bản sắc đậm nét hơn.

Những công trình hiện đại thường đến từ các kiến trúc sư nước ngoài.

1. Trong mỗi chúng ta, không ai không biết đến những nếp nhà tranh. Ngôi nhà tranh tre nứa lá cổ truyền, tường đắp bùn đắp rơm gắn bó với làng mạc, ở đó không gian làng quê với hàng rào râm bụt, cúc tần, có cầu ao yên ả.

Ở đó, mọi nếp nhà tranh bình đẳng với nhau, và nhìn vào nhà cửa, người ta cũng biết chủ nhân đều là cư dân nông nghiệp. Nếp nhà tranh khi đó, là chốn đi về, nơi trú ngụ của những người nông dân.

Không màu mè, nhưng xét về mặt kiến trúc, nếp nhà tranh cũng đã thể hiện sự sáng tạo, gửi gắm hệ thẩm mỹ mà đến nay, giới nghiên cứu cũng phải thừa nhận.

Nói như KTS Nguyễn Cao Luyện- Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), “qua nếp nhà khung tre vách đất ấy, chúng ta đã nhận ra các sáng tạo kỹ thuật gắn liền với thiên nhiên đất nước, cũng như các sáng tạo nghệ thuật nảy sinh từ tâm tình con người”.

Vẫn theo KTS Nguyễn Cao Luyện, “chúng ta yêu quý nếp nhà tranh cổ truyền không phải vì cái mộc mạc thô sơ của nó, mà chính là yêu quý những giá trị tinh tế do trí tuệ kiến trúc của dân tộc Việt Nam đã sáng tạo tài tình ở ngay trong các điều kiện mộc mạc thô sơ của một xã hội nông nghiệp xưa cũ”.

Quả vậy, nhìn lại dấu ấn kiến trúc Việt một thời qua nếp nhà tranh, chúng ta có quyền tự hào về những sáng tạo của dân gian, mà đến nay, nhiều thứ đã được giới kiến trúc sư tiếp bước, cải tiến và nâng tầm.

Không thể hờ hững trước đôi ba nếp nhà khiêm tốn. Cũng không thể thờ ơ khi nhìn lại những mái tranh đơn sơ, những vách nhà mộc mạc.

Thậm chí, đó chỉ là vài cánh giại che nắng che mưa bên hiên nhà, hay một hàng hiên, cái chum nước, rặng cau trước sân, bờ dậu quanh vườn…

Tất cả những chi tiết đó, là dấu ấn kiến trúc Việt, thể hiện sự tinh tế, có trước có sau của người Việt,dù đó là cư dân đồng bằng Bắc Bộ, cư dân sống trên rẻo cao hay cư dân vùng Nam Bộ…

Vận hành qua nhiều thế hệ, những di sản kiến trúc đó đã được kế thừa, thay đổi và tiếp tục sáng tạo để đạt độ hoàn chỉnh. “Dù chỉ giản dị khiêm tốn với những nếp nhà tranh, nền kiến trúc cổ truyền của đất nước ta đã khẳng định bền vững các giá trị lâu đời cả về kỹ thuật và nghệ thuật, cả về kinh tế và xã hội”- KTS Nguyễn Cao Luyện đã từng quả quyết.

Theo ông, tuy ngôi nhà tranh chẳng có gì nguy nga lộng lẫy nhưng đó chính là nếp nhà đã để lại cho chúng ta một “kiểu mẫu về cách giải quyết đẹp đẽ những quan hệ muôn đời giữa con người Việt Nam với thiên nhiên đất nước để thực hiện đầy đủ một khái niệm về ở đạt tới trình độ toàn diện”.

Một không gian gắn với nếp nhà xưa của người Việt.

2. Nhưng xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày một khá giả, theo đó những đòi hỏi về cuộc sống tiện nghi hơn cũng được đặt ra.

Nhược điểm của những vật liệu từ tranh, tre, nứa, lá, bùn rơm… là độ bền không cao, dễ bị mối mọt, cong vênh do mưa nắng, thậm chí dễ bén lửa.

Do vậy, khi người dân có kinh tế dư dả hơn, những ngôi nhà tường gạch (hoặc đá ong), mái ngói đã dần được hình thành, thế vào vị trí của những nếp nhà tranh. Đến nay, dấu ấn kiến trúc “một thời” này vẫn còn hiện diện ở nhiều vùng miền trên đất nước ta.

Nhưng có lẽ cũng từ đây, khi đã dùng đến những vật liệu hiện đại hơn để thay thế (như vôi, gạch, đá ong, ngói mũi…) thì cũng là lúc kiến trúc Việt có những sự pha trộn, thể hiện rõ sự đầu tư của từng gia chủ.

Khuôn mặt làng Việt vì thế đã cho thấy rất cần có sự vào cuộc của giới kiến trúc sư, những người làm nghề chuyên nghiệp.

Đặc biệt là giai đoạn những ngôi nhà mái ngói được thay thế để dựng lên những ngôi nhà 2, 3 tầng pha trộn nhiều mô típ kiến trúc được cóp nhặt ở những nơi khác nhau.

Nhìn vào kiến trúc làng Việt, xen lẫn những ngôi nhà mái ngói cũ xưa, là những ngôi nhà tầng thấp tầng cao, xanh xanh vàng vàng tím tím.

Nhìn vào đó, người ta dễ nhận ra sự thiếu vắng bàn tay của giới quy hoạch, thiếu vắng dấu ấn của giới kiến trúc sư. Điều đó đang phần nào làm biến dạng những ngôi làng cổ…

Giới chuyên gia cho rằng, dấu ấn kiến trúc Việt Nam giai đoạn mở cửa, hội nhập cho thấy sự trở tay không kịp của giới kiến trúc sư.

Sự mạnh ai lấy làm, sự giàu có thể hiện lộ liễu qua những “kiến trúc nhà chóp” và những mảng miếng hoa văn không ăn nhập, thậm chí “chỏi” nhau, cho thấy sự bung nở của kiến trúc, thiếu đi bàn tay của giới làm nghề.

Bên cạnh đó, theo PGS TS KTS Tôn Đại, giới kiến trúc sư có một thời gian dài nằm trong tình trạng “nhại cổ và hoang mang”. Tuy nhiên, song song với xu hướng nhại cổ thì từ cuối thế kỷ 20 cũng đã xuất hiện một số yếu tố mới, tiếc là chưa trở thành xu hướng, mà mới là những xu thế tiến tới thực nghiệm.

“Đến nay kiến trúc Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi về mặt hình ảnh nghệ thuật, đang dần dần thoát khỏi chủ nghĩa hình thức nhại cổ. Nhưng bước chuyển biến này không mạnh mẽ và quyết liệt”- PGS KTS Tôn Đại nhận xét.

3. Từ mái nhà tranh truyền thống, kiến trúc Việt đã đi qua những chặng đường thăng trầm. Bây giờ đến giai đoạn của kiến trúc cao ốc.

Nhìn những đô thị như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… thật sự kinh ngạc về sự phát triển, thật sự choáng ngợp bởi những kiến trúc tân kỳ. Vậy ta có để lại dấu ấn đáng tự hào nào khi ngước lên những tòa cao ốc?

Trả lời cho câu hỏi này không quá khó, và thiết nghĩ, giới kiến trúc sư phải thật sự bình tĩnh, nếu không sẽ đi vào sự thái quá, mất kiểm soát, mất tự tin.

Còn với thị dân, cảm giác những tòa nhà cao tầng ngày một mọc lên dày đặc ở đô thị đã choán hết những khoảng không gian công cộng. Nhưng nó khô cứng, không gợi được bất cứ cảm hứng kiến trúc nào.

Nhìn vào những cao ốc hiện đại nhất hiện nay tại các đô thị đều do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế mà thấy nhói đau. Như tòa Bitexco (TPHCM) do KTS người Mỹ đảm nhận, hay tòa Keangnam cao 72 tầng ở Hà Nội cũng do một kiến trúc sư nước ngoài thiết kế, hoặc thậm chí Nhà hát Thăng Long tương lai của Hà Nội cũng là tác phẩm do kiến trúc sư người Italia thiết kế...

Như vậy, giới kiến trúc sư Việt Nam đang bỏ ngỏ và thậm chí thua đau trên “sân nhà”. Nói cách khác, đa số các kiến trúc sư đã không nhập vào được những cuộc chơi lớn trên chính mảnh đất quê hương (tất nhiên với nhiều lý do).

Và họ, cũng dạt về với việc thả sáng tạo của mình vào những công trình nhỏ hoặc vừa như nhà cộng đồng ở đâu đó, gửi dự thi những cuộc thi kiến trúc do thế giới tổ chức với những thiết kế từ tre nứa Việt Nam…

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, vấn đề cốt lõi của giới kiến trúc Việt Nam đó là sự lạc hậu trong tư duy kiến trúc cũng như sự bất khả trong việc tiếp cận với các xu hướng kiến trúc tiên tiến có kết hợp chặt chẽ với sự phát triển đồng bộ của khoa học thiết kế và vật liệu xây dựng...

Khi nhìn lại lịch sử kiến trúc Việt Nam người ta chợt nhận thấy bên cạnh những công trình kiến trúc do người Pháp để lại ở những thành phố lớn mà nay vừa vẫn là biểu tượng văn hóa vừa là di sản văn hóa của đất nước, vẫn còn đây đó những công trình ghi dấu ấn cá nhân các KTS Việt Nam tài danh.

Như KTS Ngô Viết Thụ với tòa nhà Dinh Độc lập, hiện được xếp vào hạng mục di tích quốc gia đặc biệt; KTS Võ Đức Diên và Nguyễn Xuân Tùng với nhà Thủy Tạ bên hồ Gươm (từ năm 1937); KTS Lê Văn Lân với Cung thiếu nhi Hà Nội…

Điều đó cho thấy đã từng có những cá nhân lưu lại nét kiến trúc tài hoa cho đời sau. Và hôm nay, thế hệ kiến trúc sư mới, được học hành bài bản, được hội nhập quốc tế, cần phải nỗ lực hơn để sáng tạo, để tác phẩm của mình lưu dấu qua những công trình hiện đại, vì cuộc sống đã đổi thay và cần sự tiếp nối…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến trúc Việt: Từ nhà tranh đến cao ốc