Thảm thêu Bayeux được xem là tác phẩm thêu từ thời Trung cổ nổi tiếng toàn thế giới. Tấm thảm dài tới 64 m, có nội dung mô tả lại câu chuyện về cuộc xâm lăng Anh của người Norman năm 1066, một câu chuyện về máu, vinh quang và Chúa trời.
Kiệt tác thảm thêu Bayeux.
Vụ vay mượn lịch sử
Không có tác phẩm nào trên thế giới lại độc nhất như thảm thêu Bayeux bởi nó được xây dựng gần giống một trường đoạn phim.
Trong hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng Chính phủ của ông sẽ cho mượn tác phẩm vô giá này lần đầu tiên trong suốt gần 1.000 năm qua để được trưng bày ở Anh.
Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc hội nghị thượng định mà ông tham gia cùng Thủ tướng Anh Theresa May khép lại tại Học viện quân sự Hoàng gia Anh ở Sandhurst. Để cảm ơn ông Macron, bà May đã nói: “Tôi cảm thấy vinh dự vì mượn được một tác phẩm quý báu đề cập về lịch sử chung của chúng ta, điều này nhấn mạnh sự gần gũi trong mối quan hệ giữa hai bên”.
Bà May cho hay tác phẩm này sẽ tới nước Anh để trưng bày trong năm 2022.
Đối với người Anh, thảm thêu Bayeux có sức lôi cuốn cực kỳ mạnh mẽ, bởi cuộc xâm lăng của người Norman không chỉ là một tấn thảm kịch, một thất bại mà còn là điểm bước ngoặt làm thay đổi xã hội Anglo-Saxon thành nước Anh hiện đại ngày nay.
Thảm thêu Bayeux là một tác phẩm mô tả chi tiết bằng hình ảnh về lịch sử và cũng là câu chuyện về lòng quả cảm, được viết theo trình tự thời gian từ trái sang phải.
Tấm thảm này kể về Harold, Bá tước vùng Wessex, chiếm ngai vàng ngay sau cái chết của Edward, “Giáo sỹ”, và chỉ vài tháng sau đó lại để mất ngai vàng vào tay William, Công tước xứ Normandy, trong trận Hastings.
Kể từ đó, Công tước xứ Normandy được đổi danh xưng thành William “Kẻ Chinh phạt”, và Nữ hoàng Anh Elizabeth, hiện 91 tuổi, là một hậu duệ của ông.
Lần gần đây nhất mà Anh chính thức đề nghị mượn thảm thêu Bayeux của Pháp là trước lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth năm 1953.
Nhưng Bảo tàng Bayeux lúc bấy giờ đã từ chối. Một lần không chính thức khác là vào năm 1966, trùng thời điểm lễ kỷ niệm 900 trận Hastings, nhưng cũng không thành.
Tấm thảm vô giá này hiện đang được trưng bày bên trong một lồng kính được thiết kế đặc biệt để bảo vệ nó tại Bảo tàng Bayeux, nằm ở miền Bắc nước Pháp và không xa bờ biển Normandy.
Trong một tuyên bố đưa ra trong tuần này, Bảo tàng Bayeux nhấn mạnh rằng tuyệt tác trên cần phải được ổn định trước khi di dời, tiến trình này phải mất vài năm mới hoàn thiện và nó sẽ ở lại nước Anh không quá 1 năm.
Cuộc vay mượn lịch sử này đã làm dấy lên một cuộc ganh đua giữa vô số viện bảo tàng ở nước Anh nhằm giành quyền trưng bày Thảm thêu Bayeux.
“Đây là một tác phẩm chỉ có thể được mô tả là đại tuyệt tác”- Andrew Bridgeford, một luật sư, nhà sử học của Anh, nhận định.
Hartwig Fischer- giám đốc Viện bảo tàng Anh đã gọi cuộc vay mượn này là “lớn nhất trong mối quan hệ giữa Anh và Pháp”.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến ở Anh cho rằng tác phẩm này thực tế nhắc lại cho người dân nước này một thất bại thảm hại. John Redwood, nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ Anh và là người ủng hộ Brexit, đã lên tiếng phản đối việc vay mượn tác phẩm Bayeux.
“Dù chắc chắn rằng đề nghị này có ý nghĩa tích cực, nhưng thực tế là tác phẩm nọ mô tả lại một cuộc xâm lược của quân đội Pháp, giết hại nhà vua Anh cùng nhiều binh sỹ của ông trước khi chiếm đóng”- ông Redwood viết trên Twitter.
Vị chính trị gia trên cũng nói rằng trận Hastings “là lần cuối cùng mà nước Anh bị thất bại trong một cuộc chiến với một bên thù địch xâm lược”.
Ông cũng cho rằng Tổng thống Pháp đang lợi dụng sự vay mượn tác phẩm vô giá này để thúc ép Anh chi thêm nhiều tiền hơn để giải quyết vấn đề người di cư ở biên giới giữa hai nước.
Thảm thêu Bayeux được trưng bày tại Bảo tàng Bayeus (Pháp) (Nguồn: Reuters).
Sống sót qua nhiều giai đoạn
Chỉ riêng sự tồn tại của nó qua một giai đoạn đầy bất ổn của thế giới cũng đã khiến người ta không khỏi ngạc nhiên: Thảm thêu Bayeux chống lại được sự hủy hoại của mối mọt, thời tiết và Đức quốc xã.
Trong thời kỳ Cách mạnh Pháp, tấm thảm này từng bị tịch thu để đem ta làm vải che xe ngựa, nhưng may mắn được một luật sư người bản địa cứu rỗi.
Napoleon Đại đế từng đưa tấm thảm này đến Paris và tổ chức một cuộc diễu hành trước nó khi đang lên kế hoạch một cuộc xâm lược nước Anh.
Do thảm thêu Bayeux mô tả về một cuộc xâm lược, nó được Đức quốc xã sử dụng như một công cụ tuyên truyền cho chủng người Aryan.
Trước khi quân đồng minh ập tới Pháp trong Thế chiến II, Đức quốc xã đã chuyển thảm thêu Bayeux khỏi Bảo tàng Louvre tới Paris để bảo vệ nó cùng với các tác phẩm khác mà chúng đánh cắp. Tướng Heinrich Himler của Đức quốc xã từng muốn đem nó tới lâu đài của ông ở Đức để làm vật trang trí.
Chỉ vài giờ trước khi quân đồng minh tràn tới Paris, các binh sỹ chịu trách nhiệm phá mã của địch đã chặn được một điện tín từ Himmler trong đó yêu cầu binh sỹ dưới quyền di dời thảm Bayeux, nhưng sau đó bị lực lượng kháng chiến Pháp đánh chặn ở Bảo tàng Louvre.
Nguồn gốc gây tranh cãi
Thảm Bayeux cũng được nhiều sử gia coi như một cuốn truyện tranh thời Trung cổ, trong đó mô tả nhiều mặt của cuộc sống lúc bấy giờ: Sự báo thù, sự phản bội, danh dự, vinh quang.
Nó cũng có nhiều cảnh mô tả tiệc tùng, cảnh đóng tàu, những hành trình trên biển đầy gian nan, tang lễ, nạn ăn trộm, cướp bóc và cả bê bối tình dục.
Nhưng tâm điểm của thảm Bayeux chính là trận Hastings. Các hình ảnh mô tả trận đánh này cho thấy một chiến trường đầy rẫy các thi thể không đầu, và một vị vua chết trận vì một mũi tên cắm vào mắt.
Những người đàn ông trong thảm thêu Bayeux - gồm giới quý tộc, binh mã và bộ binh - đều vận những chiếc áo thụng dài tới gối.
Người ta thống kê có khoảng 626 nhân vật, 190 con ngựa, 35 con chó xuất hiện trong thảm thêu Bayeux; bên cạnh đó là khoảng 506 đoạn diễn giải ngắn viết bằng tiếng Latin.
Tấm thảm cũng có sự xuất hiện của 3 phụ nữ và trong một cảnh, họ đang chạy trốn khỏi một ngôi nhà bốc cháy.
Theo ông Richard Gameson- giáo sư chuyên ngành nghệ thuật Trung cổ thuộc ĐH Durham (Anh), thảm thêu Bayeux phần lớn được dệt ở Anh chứ không phải ở Pháp, chỉ vài năm sau trận Hastings năm 1066.
Phần lớn học giả ngày nay tin rằng người anh em của William “Kẻ Chinh phạt”, Giám mục Odo của xứ Bayeux, chính là người ra lệnh thực hiện tấm thảm thêu Bayeux. Tuy nhiên, không ai biết rõ xuất xứ chính xác của nó.
Danh tính của những người đã chế tác nên Thảm thêu Bayeux cũng biến mất trong lịch sử.
Dù ông Gameson nói rằng có thể đó là một thày tu, nhưng ông cũng ngờ rằng có thể là ai đó có tầm nhìn thời đại hơn và là người quá quen với việc di chuyển bằng thuyền, vũ khí, ngựa, kiến trúc và tòa án thời bấy giờ.
Người ta cũng không biết rõ đội ngũ các thợ thêu đã tham gia chế tác thảm Bayeux, không rõ đó là một đội ngũ gồm chỉ đàn ông hay có cả phụ nữ.
Ông Gameson đưa ra giả thuyết rằng đó là một đội ngũ chuyên gia về thêu gồm cả nam lẫn nữ.
Một điều người ta chắc chắn về tính chất của thảm thêu Bayeux chính là việc nó rõ ràng được tạo nên bởi bên chiến thắng, một tác phẩm đại diện cho người Norman. Tuy nhiên, nó cũng mô tả Bá tước Harold như một người đàn ông quý tộc và dũng cảm.
“Tấm thảm trên cho thấy Harold là một đối thủ xứng tầm và binh sỹ người Anh là những chiến binh dũng mãnh” - ông Gameson nói và cho rằng: “Bởi vậy mà chiến thắng này rất khó khăn”.
Ngoài ra, thảm thêu Bayeux cũng mô tả về bàn tay của Chúa trời, khi có cảnh một cây thánh giá bốc cháy trên một con thuyền của người Norman. “Dấu hiệu đó có thể khó hiểu với chúng ta. Nhưng nếu là ở trong thế kỷ 11 thì nó mang ý nghĩa rất rõ ràng: Bên thắng đã được lựa chọn”- ông Gameson nhận định.