Khi dịch Covid-19 dự báo được kiềm chế cơ bản sẽ là thời điểm mà nền kinh tế TP HCM bắt đầu quá trình phục hồi mạnh mẽ. Đây cũng là lúc cần đẩy mạnh về kinh tế số, chuyển đổi số…
Nhờ kinh nghiệm làm việc tại nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, các chuyên gia, trí thức kiều bào hiến kế chính quyền TP HCM cần bắt tay ngay vào những chính sách trước mắt và trung hạn. Cụ thể như: Nâng cao năng lực y tế điều trị Covid-19, từ đó là“bệ đỡ” để khôi phục kinh tế - xã hội thông qua kích cầu sản xuất, kinh doanh.
Đó là nội dung được đông đảo kiều bào chia sẻ tại Hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài góp ý cho sự phát triển bền vững của TP HCM, với chủ đề “TP HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19: Vấn đề và kiến nghị” do UBND TP HCM và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM phối hợp tổ chức vào chiều 14/12.
Khôi phục kinh tế: Mục tiêu sống còn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây nhiều hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế - xã hội của TP HCM. Để ứng phó, ngân sách thành phố và trung ương là không đủ mà có sự chung tay của các nguồn lực xã hội, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM cho rằng, đây chính là “cánh tay nối dài” và là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ông Dũng nhấn mạnh, những mất mát, đau thương trong đại dịch là rất lớn, do đó tình cảm, đóng góp, hỗ trợ của kiều bào thời gian qua là hết sức quý báu.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết, do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố bị sụt giảm, sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. Điển hình là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III năm 2021 giảm mạnh khoảng 24,97% so với cùng kỳ. Trong hoàn cảnh như vậy, kinh tế - xã hội thành phố duy trì tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Đáng chú ý, kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD và thành phố cũng giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người.
Không đổi mới được là có lỗi với nhân dân
Theo PGS.TS Vũ Minh Cương, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, dù bị tổn thương rất nặng bởi đợt bùng phát dịch thứ 4 vừa qua nhưng dự báo GDP 2021-2026 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.
“Những cái cũ quá thành công, quá thuận lợi dẫn đến chúng ta trì trệ, chậm đổi mới. Thời gian trôi qua nhanh, không tận dụng được sẽ chậm tiến là điều chắc chắn, thậm chí nếu không đổi mới được sẽ có lỗi với nhân dân, với thế hệ tương lai”, ông Cương bày tỏ.
Cũng cho rằng đổi mới là câu chuyện sống còn, ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hội doanh nghiệp người Việt Nam tại Nhật Bản hiến kế TP HCM cần sớm tìm giải pháp căn cơ thu hút doanh nhân, doanh nghiệp về nước để phục vụ cho giai đoạn đổi mới toàn diện. Trước hết, xây dựng cơ sở dữ liệu trong vận hành quản trị thành phố, tìm ra các động lực mới cho thành phố, nhất là chuyển giao về công nghệ. Ông Đức nhấn mạnh, kinh tế số, chuyển đổi số phải được ưu tiên hàng đầu để thành phố tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.
Kiều bào Lâm Việt Tùng, chuyên gia công nghệ thông tin và viễn thông cũng cho rằng, hiện nay dịch vụ công cấp độ 4 của thành phố mới chỉ đáp ứng 10-30%, trong khi do giãn cách xã hội kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động của nền kinh tế bị đứt gãy, sụt giảm rất lớn. Nếu không tìm được mô hình phù hợp thời kỳ hậu Covid-19 thì chắc chắn thành phố sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Theo chuyên gia này, đây là giai đoạn mà TP HCM phải bắt nhịp với kinh tế số để chuyển đổi từng bước.
Đồng ý với hiến kế của các đại biểu kiều bào tại hội nghị, ông Lâm Việt Tùng đề nghị việc cần làm ngay là đánh giá các nguồn lực, tài nguyên sẵn có để chuyển đổi số, như: Ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; cải tiến pháp lý, giảm bớt “giấy phép con”; xây dựng hệ thống báo cáo về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ để phục vụ kinh tế số.
Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào cho rằng năm 2023 khi dịch bệnh dự báo được kiềm chế cơ bản sẽ là thời điểm mà nền kinh tế thành phố bắt đầu quá trình phục hồi mạnh mẽ. Đây cũng là lúc cần đẩy mạnh về kinh tế số, chuyển đổi số, giảm bớt các đầu tư hạ tầng và cơ sở hành chính, giảm bớt ngân sách đầu tư của nhà nước và đồng thời cũng giảm bớt thời gian, công sức giải quyết hồ sơ, giấy tờ của người dân, doanh nghiệp.