Đó là khẳng định của ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với Đại Đoàn Kết trong cuộc trao đổi ngày 23/12.
Ông Vũ Hồng Nam.
PV: Năm 2015 Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều hoạt động dành cho kiều bào. Vậy nếu để điểm qua những hoạt động nổi bật của Ủy ban năm 2015, Thứ trưởng ấn tượng với những hoạt động nào?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2015 là một năm trọng đại của đất nước với nhiều ngày lễ lớn, lễ trọng của dân tộc như 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; như kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 70 năm Ngày thành lập đất nước; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đã là bộ phận không tách rời thì bà con có quyền tham gia vào các sự kiện trọng đại của đất nước.
Với tinh thần đó chúng ta thấy, trên khán đài lễ kỷ niệm 30-4 có cộng đồng người Việt ở nước ngoài chứng kiến lễ duyệt binh; trong chiêu đãi Quốc khánh 2-9 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay trong lễ Quốc khánh 70 năm, bà con đều được mời về tham dự; rồi nhiều sự kiện khác nữa- điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới bà con; coi bà con là bộ phận không thể tách rời của quốc gia, dân tộc.
Còn về phần công việc của Ủy ban, năm 2015 đã gần kết thúc nhưng chúng tôi cảm nhận là một năm rất thành công, làm được nhiều việc. Vạn sự bắt đầu từ Chương trình Xuân quê hương lần đầu được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với hàng nghìn bà con tham dự; đông nhất từ trước đến nay. Bà con rất phấn khởi vì ý nghĩa lịch sử của nơi tổ chức sự kiện. Nơi mà 40 năm trước đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng của ngày hội non sông thống nhất; cũng là nơi chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của dân tộc. Năm nay chúng tôi vẫn tổ chức cho bà con đi thăm Trường Sa.
Về công tác gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng cũng đã làm được nhiều việc, hỗ trợ cho bà con tiếp cận được với nguồn sách giáo khoa ở trong nước; tổ chức các diễn đàn về công tác giảng dạy tiếng Việt. Đặc biệt vừa qua ở Lào hay Campuchia là những nơi khó khăn chúng tôi đã hỗ trợ để các cháu có sách vở, thậm chí hỗ trợ xây dựng trường lớp. Hay như trong năm, dù kinh phí eo hẹp đến đâu, chúng tôi vẫn cố gắng đưa các đoàn biểu diễn của trong nước đi phục bà con vào mỗi dịp lễ Tết; điều này bà con quý lắm!
Về việc thu hút trí thức kiều bào, Ủy ban cũng đã tổ chức được hội nghị lớn với nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành cả trong và ngoài nước dự và đóng góp cho đất nước về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới; cũng như đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ 12. Các ý kiến đó đều được các ngành phân tích, nghiên cứu, đánh giá và tiếp thu.
Ngày 27/12 tới, chúng tôi sẽ tổ chức một tọa đàm giữa doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước. Hiện đã mời được những doanh nghiệp kiều bào hàng đầu ở 20 quốc gia và những người Việt thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh về dự. Đồng thời sẽ tổ chức đối thoại giữa một số địa phương và nhóm doanh nghiệp kiều bào như ở Hà Nội, Vĩnh Phúc. Mục đích là để bà con nêu lên khó khăn vướng mắc, cùng địa phương tháo gỡ khó khăn; như thế bà con sẽ yên tâm đầu tư về nước.
Thưa Thứ trưởng, ông vừa nhắc tới cuộc tọa đàm được tổ chức sắp tới với chủ đề doanh nhân doanh nghiệp đồng hành cùng đất nước. Trong chuyến công tác dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu và những chuyến công tác khác, ông thấy, kiều bào mong muốn đầu tư về trong nước ở lĩnh vực nào nhiều nhất?
- Theo đánh giá của tôi, phần lớn bà con mình ở nước ngoài đi vào lĩnh vực thương mại nhiều hơn cả. Điều này cũng dễ hiểu vì, bà con tận dụng được lợi thế mình là người Việt Nam, hiểu Việt Nam nhưng lại ở nước khác. Cho nên kiều bào hiểu nhu cầu của nước sở tại cần hàng hóa gì? và nguồn hàng trong nước như thế nào? Vì vậy bà con nhập hàng của Việt Nam mang ra nước ngoài bán. Cũng có một số bà con mang hàng của nước ngoài về nước bán nhưng số này ít hơn.
Ví dụ, trong cộng đồng Việt tại Thái Lan hầu hết các doanh nghiệp của ta thành công nhờ giao thương giữa hai nước. Tại Thái Lan và Angola bà con chủ yếu bán hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam. Còn cộng đồng người Việt ở châu Âu là giầy dép, quần áo; ở Mỹ là hải sản, nông sản. Bà con đã tận dụng được vị thế của mình trong quan hệ giữa hai nước. Một số nhà đầu tư lớn có đầu tư về trong nước thường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và bất động sản, ngân hàng nhưng số này ít hơn.
Cuộc tọa đàm chúng tôi sắp tổ chức tới đây cũng là bởi, trong một thời gian ngắn tới đây chúng ta sẽ tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại lớn như TPP, FTA với một loạt quốc gia rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp chính thức có hiệu lực- điều đó có thể mở ra cơ hội. Chúng tôi muốn doanh nhân kiều bào nhìn thấy sức hấp dẫn trong đầu tư về Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với đầu tư tại các quốc gia khác.
Thưa Thứ trưởng, vậy với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì doanh nghiệp của kiều bào biết được cuộc vận động đó đến đâu?
-Về cuộc vận động, phải nhấn mạnh, các cơ quan đại diện của chúng tôi làm rất tốt cái này. Khi có đợt tuyên truyền vận động do MTTQ Việt Nam phát động ở trong nước, chúng tôi lập tức giao nhiệm vụ cho các cơ quan đại diện tiếp cận với các doanh nghiệp để kết nối. Ví dụ biết doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về giầy dép có uy tín với các nước hay đã xuất khẩu sang Mỹ mà châu Âu chưa có thì cơ quan đại diện của chúng tôi giới thiệu, kết nối với doanh nghiệp kiều bào.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!