Mặc dù gặp ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng 2 năm qua, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập lớn cho nhiều người kinh doanh. Đặc biệt, dịp cuối năm vốn là thời điểm sức mua sắm tăng cao, thương mại điện tử càng bùng nổ.
Nhiều cá nhân thu nhập hàng trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng một năm thông qua hình thức kinh doanh online nhưng ngành thuế gần như chưa thu được nhiều. Dù quy định luật đã có nhưng tới thời điểm này, các chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi, phức tạp hơn nhằm qua mặt cơ quan thuế.
“Gà đẻ trứng vàng”
Sau hơn 1 năm nghỉ việc văn phòng chuyển hướng sang kinh doanh thực phẩm chức năng online, mỗi tháng chị Đỗ Vân Anh (quận Long Biên, Hà Nội) thu về được 70-80 triệu/tháng, thậm chí có tháng đông khách, lợi nhuận của chị lên tới hơn 100 triệu đồng.
Theo chị Vân Anh, nhiều anh chị trong giới thu nhập rất “khủng”, kinh doanh tự do có một vài năm nhưng giờ đã mua được nhà lầu, xe hơi.
“Kiếm tiền từ internet không cần thuê mặt bằng, không phải đi làm thuê, lại được chủ động về thời gian. Ai có lộc buôn bán và đi đúng hướng thì nhanh phất lắm”, chị Vân Anh chia sẻ.
Vài năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 liên tục bùng phát, diễn biến phức tạp, phương thức mua-bán hàng online ngày càng phổ biến, nhất là khi hiện nay hình thức quảng cáo trực tuyến, livestream bán hàng xuất hiện rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Từ đồ điện tử, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến các loại thực phẩm như bánh trái, thịt, hải sản… cũng đều được livetream bán hàng qua mạng. Nhiều group bán hàng riêng có số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người.
Livestream bán hàng trên mạng trở thành “gà đẻ trứng vàng” của giới kinh doanh online. Những người bán hàng online này thường tận dụng nơi ở của mình để chứa hàng, và đồng thời cũng là nơi để livestream quảng cáo sản phẩm. Chỉ cần một chiếc điện thoại được kết nối mạng internet, người bán hàng vẫn có thể dễ dàng chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.
Lấn sân sang kinh doanh mỹ phẩm được 2 năm nay, chị Nguyễn Thương Hiền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khác với thời điểm chập chững bước chân vào nghề, 1 năm trở lại đây, để bắt kịp xu thế, chị Hiền đẩy mạnh livestream bán hàng.
Chị Hiền cho biết, để việc kinh doanh hiệu quả hơn, chị đầu tư tiền vào việc chạy quảng cáo facebook, tạo tương tác ảo, để có thể tiếp cận nhiều hơn với người mua. Nhờ vậy, mỗi lần livestream của chị Hiền thu hút hàng trăm, có lần cả nghìn người theo dõi. Lượng đơn hàng cũng tăng hơn đáng kể. Đáng chú ý, tổng doanh thu của cửa hàng thời điểm này bằng tổng doanh thu 4-5 tháng trước khi chưa bán hàng livestream cộng lại.
Chiêu trò lách thuế
Thành công của các shop online cho thấy, bán hàng qua mạng mà đặc biệt là qua nền tảng livestream đang hái ra tiền ở Việt Nam. Với doanh số tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần so với bình thường, livestream bán hàng đang dần trở thành một nghề kiếm sống chính của nhiều người, từ người bình thường tới những nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Kinh doanh online mang lại thu nhập “khủng” cho các cá nhân. Thế nhưng theo tìm hiểu, hiện nay hầu hết người bán hàng online đều không phải kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ngành thuế gần như chưa thu được nhiều từ loại hình kinh doanh này. Dù quy định luật đã có nhưng tới thời điểm này, các chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi, phức tạp hơn nhằm qua mặt cơ quan thuế.
Mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã thu thập thông tin của 32.800 địa chỉ bán hàng online, trong đó xác minh 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế. Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cũng thừa nhận, nhóm các cá nhân/hộ kinh doanh thương mại điện tử là đối tượng khó quản lý hơn so với nhóm doanh nghiệp, tổ chức. Bởi họ thường có nhiều chiêu trò để lách thuế.
Trong vai người mua hàng, phóng viên đặt đồ tại một shop bán hàng trên mạng có tiếng. Sau khi chốt đơn, nhân viên của shop hướng dẫn có 2 hình thức thanh toán: Nhận hàng rồi trả tiền mặt cho shipper hoặc nếu thanh toán bằng chuyển khoản thì nội dung chỉ ghi tên người mua chứ không ghi nội dung tên hàng.
Kinh nghiệm bán hàng online nhiều năm, anh Nguyễn Minh Phong (quận Ba Đình, Hà Nội), một người kinh doanh thực phẩm chức năng online cho biết, hiện nay, những cá nhân bán hàng qua mạng thường có nhiều cách thức để tránh lộ doanh thu.
Theo anh Phong, phổ biến nhất là các chủ cửa hàng khuyến khích khách mua hàng bằng tiền mặt hoặc lập nhiều tài khoản với tên chủ tài khoản khác nhau để phân bổ nguồn thu, tránh dồn toàn bộ vào một tài khoản nhất định. Giới bán hàng online còn nghĩ ra cách sau buổi livestream tạm ẩn hoặc xóa livestream khỏi facebook. Như vậy, cơ quan quản lý thuế sẽ rất khó kiểm tra, khó thu thuế.
Theo các chuyên gia, những chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi khiến việc thu thuế đối với hình thức kinh doanh này khó triển khai và chưa có giải pháp hữu hiệu.