Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, lượng tiêu thụ rượu bia của người dân Việt Nam là 1,3 lít/người/tháng. Trong đó, nhóm hộ gia đình khá giả tiêu thụ tới 2,2 lít/người/tháng.
Tỷ lệ thanh thiếu niên uống rượu ngày càng tăng
Còn theo số liệu thống kê mới nhất về lượng tiêu thụ rượu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được cập nhật vào tháng 4/2021, mỗi người Việt Nam đã sử dụng 4,6 lít rượu nguyên chất. Với con số này, theo số liệu của WHO thì nước ta đứng thứ 3 thế giới, chỉ tiêu thụ rượu ít hơn Uganda - một quốc gia ở Đông Phi và Cộng hòa Moldova.
Có thể dự đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng bởi sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhiều địa phương đã cho phép hàng quán mở cửa trở lại. Đồng thời, người Việt có xu hướng “nhậu” nhiều hơn vào dịp cuối năm.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, điều rất đáng lo ngại là tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn cũng tăng cao. Khoảng 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 có sử dụng đồ uống có cồn (năm 2008), tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm. Trong đó, 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nhóm 14-17 tuổi tăng từ 34,9% lên 47,5% và ở nhóm tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67%.
“Uống rượu bia gây ra hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại cả với người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu, bia... Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia...) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội” - ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Ông Tấn cho biết thêm, dịp cuối năm, lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng. Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng và hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong, đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
Tăng nguy cơ ung thư
Còn PGS.TS Cao Thị Thu Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia lý giải: Rượu đi vào cơ thể từ miệng, đến dạ dày, vào hệ thống tuần hoàn, đến não, thận, phổi và gan. Bởi vậy, đối với người uống rượu, nồng độ cồn cao làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng. Các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu. Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% (rượu còn lại) được hấp thụ vào máu từ ruột non.
Khi vào máu, rượu được vận chuyển đi khắp cơ thể, làm giãn mạch máu, đưa một lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da (đỏ mặt), cảm giác ấm áp tạm thời, cơ thể mất nhiệt, hạ huyết áp. Khi đến não, rượu ngay lập tức ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể.
Khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; phần còn lại (90%-95%) được chuyển đến gan để “xử lý”. Ở gan, rượu được ôxy hóa thành nước và carbon dioxide. Gan chỉ có thể ôxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi uống rượu thường xuyên sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu cản trở khả năng “bẻ gẫy” các chất béo của gan, nếu kéo dài có thể gây xơ gan (mô gan bị phá hủy, sẹo hóa, giảm lưu lượng máu đến gan, giảm chức năng gan).
Không chỉ dừng lại tại đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15-49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) đã là 25,789 tỷ đồng, chiếm 0,22 tổng GDP năm 2012.