Kinh tế 2015 chuyển biến rõ nét

Hồ Hương (thực hiện) 25/12/2015 11:10

Những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2015 về nợ công, lãi suất có thể sẽ kéo sáng năm 2016. Nhưng nói cho cùng nhiều cơ hội lớn về kinh tế đã được thiết lập trong năm 2015. Trả lời Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Anh Dương - Phó trưởng ban Chính sách kinh tế Vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần nhìn nhận cái được, cái mất của nền kinh tế một cách sòng phẳng để có chính sách ứng xử hợp lý hơn. 

PV: Năm kinh tế 2015 khép lại với nhiều đánh giá vẫn trái chiều nhau. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng để tăng trưởng bền vững. Ông có thể chia sẻ quan điểm riêng?

Kinh tế 2015 chuyển biến rõ nét

Ông Nguyễn Anh Dương: Theo tôi, đà phục hồi kinh tế đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2013, rõ ràng hơn trong năm 2014 và năm 2015. Nhiều cải cách về thể chế, kết cấu hạ tầng, và nguồn nhân lực đã được thực hiện trong suốt quãng thời gian đó. Kết quả tổng kết lại trong năm 2015 cũng có nhiều điểm tích cực.

Đầu tiên ở diễn biến kinh tế vĩ mô: chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh hơn, nếu so với cùng kỳ thì GDP kỳ sau cao hơn kỳ trước, năm sau cao hơn năm trước.

Thứ 2, xét ở góc độ niềm tin của người dân, doanh nghiệp nước ngoài đã cải thiện đáng kể. Bản thân người dân mạnh dạn hơn trong chi tiêu. Dẫn chứng là con số nhập khẩu ô tô nguyên chiếc năm 2015 tăng vọt, chỉ 11 tháng đầu năm số lượng ô tô về Việt Nam lên tới 112.000 chiếc. Khi người dân chịu bỏ số tiền lớn để mua sắm thì chứng tỏ niềm tin cải thiện tích cực.

Cùng với đó là kỷ lục mới về lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân trong năm nay, dự đoán lên đến khoảng 14 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm ngoái. Số vốn cam kết cũng được dự báo sẽ cao hơn 21,9 tỷ USD.

Còn ở góc độ biến động giá cả nội địa, năm 2015 không có nhiều đột ngột, khó lường như các năm trước. Các quyết sách điều hành đến giá các mặt hàng cơ bản như điện, xăng dầu dù có những ý kiến nhất định nhưng đã có chuyển biến về mặt tư duy. Điều phối kinh tế vĩ mô đã có sự kết hợp của 4 bộ (Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương) và quy chế phối hợp kịp thời.

Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn của kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, thưa ông, có nhận xét khá buồn, là các quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam vẫn như mạng dây điện, phải loại bỏ và làm lại thì mới có thể thay đổi được?

- Năm 2015, người dân, người hoạch định chính sách, cả doanh nghiệp kỳ vọng vào sự biến chuyển môi trường kinhh doanh, đơn giản hóa các thủ tục, xóa những thủ tục không cần thiết. Câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh đã được đề cập từ 5 đến 7 năm nay, bây giờ chúng ta vẫn đang thực hiện rốt ráo. Nhưng xét cho cùng thì năm 2015 các thay đổi được nhìn thấy rất rõ nét, tích cực hơn dù không như kỳ vọng. Đó là số giờ nộp thuế giảm, thời gian tiếp cận điện năng giảm. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được sửa đổi khiến cho chi phí gia nhập và rời bỏ thị trường của doanh nghiệp được giảm thiểu.

Thưa ông, vấn đề vẫn tiếp tục được lưu ý là về đầu tư công. Các địa phương, chạy đua xây dựng các công trình nghìn tỷ nhưng chưa xét đến tính hiệu quả? Cuộc đại phẫu tái cơ cấu đầu tư công dường như đạt kết quả rất mỏng?

- Đầu tư công như thế nào cho hợp lý vẫn là một vấn đề thách thức. Mặc dù đã có Nghị định quy định về đầu tư trung hạn song việc lựa chọn dự án nào hiệu quả để đầu tư còn khó khăn.

Cũng trong kế hoạch trung hạn, địa phương sẽ biết mình có bao nhiêu tiền để đầu tư, để xây dựng phát triển nhưng từ biết để đi đến thực hiện, bố trí nguồn lực rất khó. Bố trí như thế nào cho hợp lý? Suy nghĩ về mặt lô gic, với một số tiền được yêu cầu đưa ra đầu tư trong 5 năm, thì năm đầu các địa phương sẽ làm nhanh, năm thứ hai làm chậm hơn, đến năm thứ 3 thứ 4 thì gần như không đầu tư nữa vì hết tiền. Cũng có trường hợp 2, năm thứ nhất chưa làm gì, năm thứ 2, thứ 3 làm dồn dập. Cả hai trường hợp này cho thấy khi thấy có nguồn rồi thì địa phương nào cũng đầu tư sớm. Đương nhiên điều này là tốt, vì thấy hiệu quả nhanh.

Nhưng lượng vốn đầu tư quá nhiều cho một năm thì đến các năm sau khi phát huy nhu cầu mới thì lại không còn tiền để bố trí nữa. Rõ ràng, tư duy về việc phân bổ đầu tư công trung hạn, bố trí cân đối nguồn lực cho 5 năm rất tốt nhưng làm sao để đảm bảo đầu tư hiệu quả tốt cho cả 5 năm thì lại là vấn đề chưa rõ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế 2015 chuyển biến rõ nét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO