Quốc tế

Kinh tế Đức gặp khó khăn

Hà Anh 01/02/2024 07:37

Nền kinh tế khu vực đồng Euro trì trệ trong năm 2023, hoạt động kém hiệu quả so với phần còn lại của thế giới khi nước Đức phải vật lộn với tình trạng bất ổn công nghiệp.

anh-bai-chinh-31-1.jpg
Người dân trên phố mua sắm Kurfuerstendamm trong mùa Giáng sinh ở Berlin, Đức. Nguồn: Reuters.

20 quốc gia trong khu vực đồng Euro gặp khó khăn năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu mở rộng và đối tác thương mại lớn nhất của khu vực đồng Euro là Mỹ đạt được mức tăng trưởng nhanh ấn tượng.

Sự kém hiệu quả của khu vực đồng Euro chủ yếu là do sự phát triển kém ở Đức - nơi chứng kiến mô hình kinh doanh dựa vào năng lượng giá rẻ từ Nga và thương mại hai chiều với Trung Quốc bị cản trở bởi các sự kiện địa chính trị.

Con số thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã sụt giảm 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2023 trong khi toàn khối chứng kiến sản lượng ổn định, nhờ sự mở rộng ở Tây Ban Nha và Italy. Con số này đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp Đức không có hoặc tăng trưởng rất ít.

Các nhà kinh tế dự đoán, điều tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong những tháng tới trước khi có sự phục hồi yếu ớt vào mùa hè, điều này sẽ dẫn đến một năm tăng trưởng ít ỏi nữa cho khu vực đồng Euro.

Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ. Trong khi cả hai nền kinh tế đều phải tuân theo chế độ tăng lãi suất đều đặn của các ngân hàng trung ương để đối phó với lạm phát gia tăng, nền kinh tế Mỹ đã bác bỏ những dự đoán xấu về suy thoái kinh tế và tăng trưởng 2,5% trong năm 2023.

Eurostat không cung cấp số liệu hàng năm cho khu vực đồng Euro nói chung trong báo cáo. Con số này có thể thay đổi, đặc biệt là do có thể có những điều chỉnh về sản lượng của Ireland, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số này chỉ ở mức 0,5%.

Theo ông Christoph Weil - nhà kinh tế tại Commerzbank, rất khó để có sự gia tăng đáng kể nào. Do lạm phát cao kéo dài, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khó có thể hạ lãi suất cơ bản trước mùa hè và điều này không thể gây tác động tích cực đến nền kinh tế châu Âu cho đến năm 2025.

Đối với các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu ở Trung Âu, tình trạng sụt giảm của nền kinh tế Đức là thách thức lớn tiếp theo, khi những quốc gia này vẫn đang phục hồi sau một số đợt lạm phát tồi tệ nhất thế giới sau đại dịch Covid-19.

Mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Đức và lĩnh vực ô tô hùng mạnh một thời của nước này đã mang lại lợi ích cho khu vực trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, những mối quan hệ đó có nguy cơ trở thành lực cản đối với nền kinh tế của Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia.

Hiện tại, một số công ty địa phương phụ thuộc vào mối quan hệ với Đức đang cố gắng thâm nhập sâu hơn vào các thị trường nước ngoài khác và mở rộng sang các ngành công nghiệp như quốc phòng để giảm thiểu yếu điểm của Đức, nơi sắp xảy ra một năm cận suy thoái nữa.

Tuy nhiên, những nỗ lực này diễn ra vào thời điểm có nhiều bất ổn địa chính trị lớn, khi xung đột ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Bất chấp việc đẩy mạnh vào lĩnh vực quốc phòng, tất cả những yếu tố này có thể cản trở nỗ lực của các công ty trong khu vực.

Ông Dawn Holland - Giám đốc Nghiên cứu kinh tế tại Moody’s Analytics cho biết: “Sự gián đoạn kinh tế và sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực ô tô của Đức gây thêm rủi ro về suy thoái kinh tế cho khu vực Trung và Đông Âu (CEE)”.

Theo thống kê của S&P Global, Cộng hòa Séc và Hungary lần lượt phụ thuộc vào Đức với 1/3 và 1/4 lượng xuất khẩu và đối với Slovakia là 1/5. Ba Lan được coi là ít bị ảnh hưởng hơn nhờ sức mạnh của nền kinh tế trong nước đa dạng hơn, với hoạt động xuất khẩu ít phụ thuộc hơn vào sản xuất ô tô.

Ông Tamas Mogyorosi - Giám đốc Phát triển kinh doanh của Alap Group, nơi cung cấp dịch vụ quản lý chất lượng và các dịch vụ khác cho khách hàng trong ngành ô tô, hàng không vũ trụ và điện tử cho biết: “Nhu cầu trong lĩnh vực ô tô đang sụt giảm rất mạnh do lạm phát, lãi suất và bất ổn kinh tế, gần như xóa sổ khách hàng tư nhân khỏi thị trường”.

Ông Mogyorosi cho biết thêm, Alap Group đã cố gắng bù đắp sự sụt giảm ở thị trường Tây Âu bằng cách tăng đơn đặt hàng từ khách hàng châu Á.

Ngành ô tô của Đức không chỉ đang phải vật lộn với doanh số bán hàng yếu ở thị trường Mỹ và châu Âu mà còn gặp phải những trở ngại từ giá năng lượng cao cho đến sự chuyển đổi toàn cầu sang ô tô điện, ảnh hưởng đến tương lai phát triển của phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

Các cơ quan xếp hạng cho rằng, sự yếu kém của ngành công nghiệp ô tô có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách, điều mà S&P Global cho rằng sẽ vẫn ở mức “đặc biệt rộng” xét về mặt lịch sử đối với khu vực trong năm nay.

Bà Karen Vartapetov - Giám đốc S&P Global cho biết: “Sự yếu kém kéo dài hơn ở Đức là một trong những rủi ro hàng đầu mà chúng tôi nhận thấy đối với các nước CEE. Nó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn ở khu vực và làm suy yếu thêm những kế hoạch củng cố tài chính đầy thách thức”.

Trong Triển vọng kinh tế thế giới được công bố hôm 30/1, IMF cho biết, tiêu dùng hộ gia đình mạnh hơn do tác động của cú sốc giá năng lượng giảm bớt, lạm phát giảm và hỗ trợ tăng trưởng thu nhập thực tế dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi ở châu Âu. Tuy nhiên, IMF vẫn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro xuống 0,9% trong năm nay và 1,7% vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế Đức gặp khó khăn