Quốc tế

Kinh tế khó khăn, số người vô gia cư tăng mạnh

THẾ TUẤN 19/11/2023 07:15

Ngày 17/11, Spiegel Online đưa tin người xin tị nạn đến Đức tăng mạnh, làm tăng hơn 30% số người vô gia cư ở quốc gia này trong 12 tháng qua. Họ đã làm gia tăng số người vô gia cư ở quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.

anh-bai-nguoi-vo-gia-cu.jpeg
Người vô gia cư dựng lều ở Sacramento (California, Mỹ). Nguồn: AP.

Trong khi đó, tờ The Times dẫn ý kiến từ Hiệp hội Liên bang hỗ trợ người vô gia cư (Bag W) cho rằng giá thuê nhà tăng, thiếu nhà ở xã hội và chi phí sinh hoạt tăng cao đã hạn chế lựa chọn chỗ ở cho rất nhiều người nhập cư đến Đức.

Werena Rosenke - Giám đốc Bag W, nói: "Lạm phát, chi phí tăng cao và giá thuê nhà tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Đức". Bà Rosenke nói thêm, những người dễ bị tổn thương nhất là người nhập cư, các hộ gia đình độc thân có thu nhập thấp, cha mẹ đơn thân và các cặp vợ chồng có nhiều con.

Năm 2022, khoảng 607.000 người được cho là tạm thời vô gia cư ở Đức, so với con số 383.000 vào năm 2021. Năm 2023, chưa có con số cuối cùng nhưng dự báo ở khoảng trên 750.000 người, trong đó hơn 300.000 người nhập cư.

Một cuộc thăm dò do tờ Spiegel Online thực hiện cho rằng, khoảng 40% trong số 125 chính quyền địa phương trong liên minh "các thị trấn trú ẩn an toàn", sắp đạt đến giới hạn tiếp nhận người nhập cư. Một cuộc khảo sát khác do Đại học Hildesheim thực hiện cho thấy, khoảng 40% trong số 600 quận được thăm dò ở trạng thái "choáng ngợp" trước tình trạng người vô gia cư.

Tuy nhiên, không chỉ nước Đức, tại nhiều quốc gia khác vấn đề người vô gia cư cũng đang ngày một trầm trọng hơn. Tại Australia, trong bối cảnh áp lực chi phí thuê nhà tăng cao thì nhiều người cũng đã buộc phải chọn... sống ngoài đường. Số liệu của Cơ quan Thống kê Australia cho biết, hiện có hơn 122.000 người đang sống trong tình trạng vô gia cư. Riêng ở thành phố Sydney, tính đến giữa tháng 11/2023, số người vô gia cư đã tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.

“Cuộc khủng hoảng vô gia cư bắt nguồn từ chi phí sinh hoạt tăng cao, cùng với đó là giá thuê nhà tăng đột biến” - bà Katherine McKernan, thuộc Tổ chức hỗ trợ người vô gia cư bang New South Wales (Australia) đưa ra nhận xét và cho biết thêm ở Sydney, có một danh sách chờ mua nhà ở xã hội lên tới 60.000 người, trong khi những người nhận trợ cấp xã hội cũng không đủ khả năng thuê nhà.

Ước tính, hiện Australia sẽ cần gần 1 triệu nhà ở xã hội và nhà ở giá phải chăng mới trong 20 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Còn tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, số người vô gia cư lấy vỉa hè, công viên, hay gầm cầu làm chỗ ngủ vẫn không giảm so với hồi đại dịch Covid-19. Ngay cả tuyến đường chính dẫn vào trụ sở Quốc hội Mỹ cũng xuất hiện một số người ngủ qua đêm trên vỉa hè. Họ chỉ có một tấm đệm cũ để ngả lưng. Nếu trời mưa, họ dùng hai tấm bạt căng lên.

Ông Trusted David - người vô gia cư ở Washington D.C (Mỹ) cho biết: "Tôi được những người tốt bụng cho thức ăn và tiền tiêu. Tôi không muốn sống như thế này nhưng không thể tìm được một mái nhà”.

Theo thống kê, khu vực thủ đô Washington của Mỹ hiện có hơn 8.900 người không nhà ở, tăng 18% so với một năm trước đó, có những khu vực số người không nhà ở tăng hơn gấp đôi. Chính quyền cho biết, hiện cứ 1.000 người ở đây thì có 7 người đang sống trên đường phố. Chính quyền đã nỗ lực đưa người không nhà ở vào sống trong các khu nhà ở tập trung, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện, một số người đủ điều kiện thì lại không thích vào.

Đáng báo động là số người cao tuổi không nhà ở tăng gấp gần 3 lần trong một năm qua. 2/3 số người cao tuổi không nhà ở độ tuổi trên 70, có 3 người trên 90 tuổi. Tính từ đầu năm, chính quyền thành phố đã sắp xếp được cho 29.000 người vô gia chỗ ở ổn định. Nhưng trên thực tế, việc bố trí chỗ ở cho ngươi vô gia cư là hết sức phức tạp.

Ở nước Anh, giá thuê nhà tăng cao cũng khiến nhiều người trở thành vô gia cư. Theo tổ chức từ thiện Shelter, chỉ riêng tại vùng England của Anh, số người vô gia cư đã tăng 74% trong 10 năm qua.

Truyền thông kể về trường hợp bà Ayesha Rahim (ở thành phố London) và cô con gái 17 tuổi hàng ngày phải ngủ trên đệm để dưới sàn nhà của bà ngoại. Năm 2022, hai mẹ con đã bị đuổi khỏi nhà vì không trả được tiền thuê. Tuy nhiên, đây vẫn là trường hợp “may mắn” vì có người thân cho ở nhờ, nếu không thì chỉ còn cách... ra đường.

Theo Shelter, năm 2022 có ít nhất 271.000 người vô gia cư mỗi đêm ở vùng England, gần một nửa số này là trẻ em. Thành phố London có tỷ lệ người vô gia cư cao nhất, cứ 580 người thì có 1 người vô gia cư.

Bà Polly Neate, thuộc tổ chức từ thiện Shelter, cho biết: Giá thuê nhà đang tăng vọt, hỗ trợ của chính phủ không theo kịp được với giá thuê nhà. Nếu ai không trả được tiền thuê thì sẽ bị đuổi khỏi nhà và trở thành vô gia cư. Họ không có cơ hội vì hàng thập kỷ nay nhà xã hội không được xây đủ.

Theo Chính phủ Anh, các địa phương đã được cấp 366 triệu Bảng (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng) trong năm 2023 để ngăn chặn tình trạng người thuê nhà bị đuổi ra đường vì không trả được tiền thuê và cấp nhà ở tạm thời cho người vô gia cư.

Báo chí London dẫn lời đại diện tổ chức từ thiện Shelter cho rằng, tình trạng người vô gia cư đang trở thành “vấn nạn thời hiện đại” khi mà khoảng cách giàu - nghèo ngày càng bị kéo giãn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế khó khăn, số người vô gia cư tăng mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO