Việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN cùng với những thành tựu đạt được trong năm 2015...là những nền tảng quan trọng để không chỉ các chuyên gia kinh tế mà cả cộng đồng doanh nghiệp…lạc quan, kỳ vọng năm 2016 sẽ mở ra những thời cơ mới đưa nền kinh tế nước ta phát triển.
Năm qua nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nổi trội, với những con số được đánh giá “đẹp như mơ”. Ảnh: Hoàng Long
Những thành quả đẹp
Đằng sau cánh cửa kinh tế 2015 vừa khép lại, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nền kinh tế thế giới đã trải qua một năm nhiều sóng gió, song bức tranh kinh tế 2015 của Việt Nam lại bật lên không ít điểm sáng. Và những điểm sáng đó cho thấy sự quyết tâm điều hành nền kinh tế vĩ mô đi đúng hướng của Chính phủ. Tâm điểm có thể coi là “sáng nhất” của bức tranh kinh tế chính là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,68% so với năm 2014, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây và là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Nhìn lại 5 năm qua, năm 2015, nền kinh có tốc độ tăng trưởng nổi trội với những con số được đánh giá “đẹp như mơ”. Năm 2011 tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98% thì năm 2015 là 6,68%.
Một điểm sáng nữa cần phải kể đến chính là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 0,63% so với bình quân năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong 15 năm qua. Nếu như ngay những năm trước, Chính phủ phải khó khăn chật vật để kìm cương “con ngựa bất kham” lạm phát, có năm cao nhất châu Á, gây bất ổn cho nền kinh tế, thì năm 2015, chúng ta không phải nhắc nhiều đến cụm từ “lạm phát tăng cao”. Thay vào đó, lạm phát thấp giúp cho nền kinh tế vĩ mô đi vào một “quỹ đạo” ổn định. Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng thấp của chỉ số lạm phát thể hiện những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, và sẽ là tiền đề để năm 2016 tiếp tục ổn định và phát triển đúng “quỹ đạo” khi có bàn tay điều hành kiên định của Chính phủ. Mặt khác, CPI ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng
Thêm niềm tin cho doanh nghiệp
Năm 2015 cũng là năm Chính phủ ra Nghị quyết số 19/NQ-CP – một Nghị quyết mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nghị quyết 19 xác định mục tiêu trong 2 năm 2015 và 2016 là: Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm; Phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 vào năm 2015 và ASEAN-4 vào năm 2016. Và sau những nỗ lực của nhà quản lý trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam suốt năm 2015, kết quả đã được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận tại Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mới nhất: “Đã đạt được những kết quả khả quan!”. Kết quả đó sẽ tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng DN vào một môi trường kinh doanh thực sự ổn định, thông thoáng trong năm 2016 này.
2015 cũng là năm đặc biệt khi Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do, trong đó phải kể đến sự thành công tốt đẹp trong cuộc đàm phán với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chúng ta có thể “ghi tên” vào danh sách các quốc gia thành viên của Hiệp định này.
“Đến nay quy mô doanh nghiệp Việt vẫn nhỏ, nhưng khối doanh nghiệp này đang nỗ lực để mạnh hơn. Từ chỗ bắt đầu có 4.000 doanh nghiệp, đến nay đã có 500.000 doanh nghiệp, và mục tiêu 2020 là con số 2 triệu doanh nghiệp, điều đó đã khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Việt Nam bắt đầu từ nền kinh tế chợ quê tới kinh tế mặt phố và cho đến hiện nay là mon men vào nền kinh tế siêu thị, doanh nghiệp cũng đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh” - Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Cơ hội bứt phá
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, đây chính là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo một môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng để làm lực đẩy cho sự phát triển của cộng đồng DN. Và từ đây, cộng đồng DN sẽ có thêm nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nước nhà.
Sự kiện đặc biệt vừa diễn ra hôm 4-2-2016 vừa qua, đó là Việt Nam chính thức ký kết hiệp định TPP, mở ra một trang mới cho nền kinh tế Việt Nam khi bước vào một sân chơi toàn cầu hóa với sự tham gia của các cường quốc giàu mạnh đã được thế giới biết đến như Mỹ, Nhật Bản…
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, TPP tạo sức ép buộc Việt Nam phải hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính minh bạch trong quản lý của Nhà nước… Bên cạnh đó, TPP cũng tạo sức bật cho cộng đồng DN Việt Nam. Ở sân chơi này không tồn tại sự ỳ trệ. Các DN buộc phải nâng cao sức cạnh tranh nếu không muốn mình bị loại khỏi cuộc chơi đầy cam go mang tên “TPP”. Và năm 2016 chính là năm khởi đầu cho mọi cơ hội và thách thức đó.
Theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn. Trong khi đó, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản. Về lạm phát, cơ quan này dự báo, năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. Còn theo các kịch bản của nền kinh tế trong năm 2016 được Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia đưa ra, nền kinh tế Việt Nam 2016 tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp đà phát triển, hiệu quả đầu tư tiếp tục được cải thiện.
Ở một khía cạnh khác, theo nhận định của bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia WB, những cơ hội mà Việt Nam đang có được nhận được từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ “biến” Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới khi “sở hữu” những lợi thế về nhân công, chi phí thấp, thu hút nhiêu tập đoàn, DN FDI lớn… “Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên” - bà Kwakwa nhận định.
“Cạnh tranh hội nhập sẽ giúp doanh nghiệp khẳng định mình. Nếu không có cạnh tranh thì DN Việt Nam sẽ không có bứt phá để thay đổi. Quan trọng là chúng ta định vị được chúng ta ở đâu trong thị trường kinh tế quốc tế. Với tư duy chủ động hội nhập theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế điều này là cần thiết để tăng liên kết, phát huy nội lực” – Phó Chủ tịch Hội DN Trẻ Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương.