Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ mức trung bình 6-7%/năm xuống còn 2,91% năm 2020 và có thể tiếp tục giảm xuống 1,5-2% trong cả năm 2021. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, theo các chuyên gia kinh tế vấn đề cốt lõi nhất là cơ cấu lại nền kinh tế, rà soát tín dụng, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế nước ta có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế – xã hội được thực hiện nhanh.
“Vấn đề cốt lõi trong quá trình phục hồi kinh tế là cơ cấu lại nền kinh tế, rà soát tín dụng, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính (trong đó có cải cách về thể chế, phân cấp, phân quyền) và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
Đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và trình Chính phủ cho ý kiến thông qua với 5 chính sách chính gồm: Chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 với nội dung chính là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; Chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chính sách kích cầu đầu tư công. Cuối cùng là chính sách quản lý điều hành để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro. Theo ông Phương, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế – xã hội được thực hiện nhanh. Về động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, theo ông Phương, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ vẫn là 3 trọng tâm kích hoạt tăng trưởng.
“Để các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tối đa, cần cải thiện 3 yếu tố: cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, nguồn lực hỗ trợ. Về nguồn lực, các Bộ, ngành, địa phương có thể tạo nguồn tài chính rẻ hơn cho các giải pháp hỗ trợ như triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp; kéo dài thời hạn trả nợ; không chuyển nhóm nợ với khách hàng; tiếp tục giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí” – ông Phương cho biết.
Cùng với kế hoạch tổng thể, hiện các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm… Tại Hà Nội, theo kế hoạch sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Đánh giá những chính sách đề xuất từ Bộ KH&ĐT nhiều chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn tới nền kinh tế trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, mức độ tác động của đợt dịch kéo dài từ quý II/2021 tới nay là rất nghiêm trọng khi các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội diễn ra trên diện rộng với thời gian kéo dài. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ mức trung bình 6-7%/năm xuống còn 2,91% năm 2020 và có thể tiếp tục giảm xuống 1,5-2% trong cả năm 2021. Do đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay dù đã chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, song ở mỗi địa phương lại có những giải pháp chống dịch khác nhau. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư dè dặt trong việc triển khai các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cần đặc biệt quan tâm đến đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Vừa qua, việc giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, có nhiều nguyên nhân đã được cơ quan hữu quan chỉ ra. Thời gian tới, cần hạn chế đầu tư dàn trải, nên xem xét cắt giảm các dự án chưa cần thiết để tập trung vốn đầu tư cho một số dự án quan trọng, triển khai nhanh chóng để sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cho nền kinh tế.
Nhà nước vẫn là “bà đỡ”
Giới chuyên gia đánh giá, với “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường, thì rất khó khăn. Do đó, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều sử dụng “gói hỗ trợ tài chính” và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Vì vậy các chính sách hỗ trợ DN tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp DN hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề cao.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra, phải có giải pháp hỗ trợ DN. Những biện pháp đã triển khai thời gian qua như giãn, hoãn thuế, phí… thực ra chỉ góp phần giảm thiểu khó khăn cho DN, còn để tạo ra nguồn lực mạnh hơn, rất cần gói kích thích kinh tế.
“Gói kích thích lần này phải có quy mô lớn hơn, đảm bảo cứu được các DN, kích thích được động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh sự hỗ trợ về tài khóa, trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2 năm tới, nên ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho DN, cho hồi phục sản xuất - kinh doanh, với công tác kiểm soát nhà nước chuyển sang hậu kiểm. Nếu quy định nào “đẻ thêm” thủ tục chi phí cho DN, thì nên dừng lại, đồng thời dồn lực hỗ trợ cho DN phục hồi. Như vậy mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng” - ông Lộc nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch phục hồi kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để cụ thể hóa việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nếu kết quả không nổi bật, thì khả năng hoàn thành chỉ tiêu 5 năm sắp tới sẽ hết sức khó khăn. Theo các đại biểu, báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu 3 động lực phát triển năm 2022, gồm: khôi phục thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Ba động lực này là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên việc triển khai phải thực sự hiệu quả, phải quyết liệt xử lý rốt ráo những hạn chế trong đầu tư công đã tích tụ từ những năm trước.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Chính sách phải đúng và trúng đối tượng
Thời gian qua, các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ DN thông qua giãn, khoanh nợ, giảm thuế… được triển khai rất kịp thời. Tuy nhiên, quy mô của các chính sách này còn quá nhỏ so với mức trung bình của thế giới và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ cơ bản dựa vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; việc giãn, hoãn, giảm thuế không có nhiều tác động vì DN không có thu nhập; chế tài thực thi yếu, thiếu quyết liệt, tỉ lệ thụ hưởng còn cách khá xa so với kỳ vọng… Thời điểm này, theo tôi có 4 yếu tố liên quan trực tiếp tới câu chuyện phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022: Kiểm soát dịch bệnh Covid - 19, đà phục hồi kinh tế thế giới, gói hỗ trợ và xu thế phát triển mới của thế giới.
Trong đó, về gói hỗ trợ chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức, đối tượng,... Sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng. Tuy nhiên, rủi ro cũng là chưa có tiền lệ. Do đó, có nhiều điều chưa phù hợp ngay trong thiết kế và thực thi chính sách như những gói hỗ trợ ban đầu có quy mô quá nhỏ và thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân và DN còn hạn chế. Chính vì vây, điều quan trọng hiện nay là phải vừa quản trị được rủi ro từ các chính sách hỗ trợ mới ban hành, vừa thực hiện đúng và trúng đối tượng.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sẽ có gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế, trong đó phục hồi DN là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Chúng tôi có một số dự kiến hỗ trợ như sau:
Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho DN vay, với mức lãi suất cấp bù dự kiến là 2%/năm. Thứ hai, Chính phủ tiếp tục dành một khoản ngân sách làm “vốn mồi” để kích thích DN thực hiện chuyển đổi số. Những DN ứng dụng chuyển đổi số sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đẩy nhanh quá trình này. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ có chính sách hỗ trợ những DN thực hiện đổi mới sáng tạo và tham gia vào các chuỗi liên kết.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: Cần chú ý khâu thực thi và thủ tục hành chính
Để khôi phục kinh tế, theo tôi cần chú ý kích cầu tiêu dùng, giảm thuế VAT, khơi thông lại các kênh mua sắm. Cùng với đó phải giảm gánh nặng chi phí cho DN như hạn chế tăng giá nhiên liệu, giao thông, các hàng hoá thiết yếu và dịch vụ y tế liên quan đến phòng dịch. Khi cần có thể cấp bù chi phí lỗ cho đơn vị trong lĩnh vực này để ổn định chi phí đầu vào cho phần lớn DN khác.
Và điều thiết thực nhất là kích thích đầu tư vào các ngành giữ vai trò then chốt, có quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp hay các ngành sử dụng nhiều lao động. Hướng dòng tín dụng vào các DN lớn vì chúng tạo việc làm cho DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, cần chú trọng đến tín dụng cho DN nhỏ và vừa, để vực dậy những DN đang đuối sức. Cuối cùng, để triển khai hiệu quả, cần chú ý cải cách, giảm rườm rà thủ tục hành chính.
T.Hằng (ghi)
* Tháng 11, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 14,7%
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2021 ước đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 10/2021. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm có xu hướng tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2021 ước tính đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12,9%; bao gồm: vốn trung ương quản lý 8 nghìn tỷ đồng, giảm 18,8%; vốn địa phương quản lý 40,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,6%. Tính chung 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 367,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 78,7% và tăng 32,7%). Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,9% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 304,1 nghìn tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch năm và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 203,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70% và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020…
T.Như