Hôm 23/5, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp này có nhiệm vụ quan trọng là xem xét, bàn giải pháp thực hiện cho được những mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra từ cuối năm 2021.
1.Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trước Quốc hội do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày tại phiên khai mạc nêu rõ: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03% , cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% . Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%. Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%. Tính đến hết quý I/2022, đã miễn giảm 11.893 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
2.Những con số tưởng chừng rất khô khan nhưng ẩn sâu trong đó chính là những những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị. Trước tiên, đó là sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng; những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực vượt khó vươn lên, hoàn thành các mục tiêu đề ra của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như Nhân dân.
Nói như vậy là bởi, trải qua hơn 2 năm chiến đấu chống dịch Covid-19 kinh tế đã tăng trưởng chậm lại, đời sống nhiều người dân trở nên khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Tới nay, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đang trong giai đoạn bình thường mới, cuộc sống đã trở lại gần như khi chưa dịch bệnh. Ngay cả trong thời gian dịch bệnh, dù khó khăn chồng chất, Đảng, Nhà nước đã nỗ lực chăm lo cho đời sống Nhân dân. Đến nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao.
Đến ngày 15/5/2022 đã tiêm chủng trên 217 triệu liều; 100% người thuộc diện tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 59,6%; 100% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm 1 mũi, 96,4% tiêm 2 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm 1 mũi đạt 29,9%. “Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022. Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển KTXH”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.
Mặt khác, dù rất khó khăn nhưng chúng ta vẫn làm tốt công tác an sinh xã hội. Xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm. Tiếp tục hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đã hỗ trợ khoảng 43,2 nghìn tỷ đồng cho 36,6 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP và trên 38,4 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong Quý I năm 2022 giảm so với quý trước, thu nhập người lao động được cải thiện.
3.Cùng chung nhận định với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc đã đánh giá: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các giải pháp tiền tệ, tài chính, hỗ trợ, phục hồi kinh tế - xã hội, cho đến nay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến rất tích cực. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển rõ nét; nhiều ngành, lĩnh vực đang vươn lên mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được đảm bảo. Hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế, thể thao,… cơ bản trở lại bình thường; an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng. Thành công của Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA game 31 đã và đang truyền cảm hứng lớn đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
4.Đó là nhận định của Quốc hội và Chính phủ, còn với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp thì sao? Nhìn chung đều bày tỏ tin tưởng vào các quyết sách của Quốc hội và Chính phủ nhưng vẫn còn có những băn khoăn khi giá nhiên liệu- một trong những “đầu vào” quan trọng phục vụ sản xuất tăng cao - điều này có thể dẫn đến chi phí sản xuất tăng, kéo theo giá cả các mặt hàng tăng lên; hay như việc kịp thời thực hiện các gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công. Bởi, chỉ khi các gói hỗ trợ đến đúng địa chỉ một cách nhanh nhất thì mới góp phần hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh nhất.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng là mong mỏi của nhiều địa phương. Bởi, có kết nối giao thông thuận tiện mới mong phát triển giao thương giữa các vùng; mới đẩy mạnh liên kết vùng và liên vùng.
Chính vì vậy, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông lớn, đó là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ. “Đồng thời, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này về chủ trương đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 TP HCM, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội".
Du lịch khởi sắc
Khách quốc tế trong tháng 4 gấp 2,4 lần so với tháng 3 và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ.
(Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ ba)