Quốc tế

Kinh tế toàn cầu đã sáng hơn

Thanh Đức 15/07/2024 08:22

Ngày 13/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận xét: Kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2024 đã sáng hơn, khác với dự báo ảm đạm khi nhiều định chế tài chính quốc tế đưa ra hồi đầu năm.

anhbaitren.png
Cảng Busan (Hàn Quốc) đã nhộn nhịp trở lại. Nguồn: Maritime Magazine.

Trong khi đó, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, đến thời điểm nửa đầu tháng 7, kinh tế thế giới đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Nhiều nền kinh tế đã vượt qua “vô số cú sốc” như các cuộc xung đột, giá cả hàng hóa tăng mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt cản trở hoạt động kinh tế.

Bày tỏ tin tưởng, tuy nhiên Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng vẫn cần thêm thời gian để lạm phát quay về mức mục tiêu 2%, khi đó nền kinh tế toàn cầu mới thực sự qua khỏi “vùng trũng”. Hiện khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã giảm nhưng tỷ lệ lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,9%. Còn tại Mỹ, lạm phát tháng 6 xuống mức 3%, tốt hơn đáng kể so với 1 tháng trước đó (3,3%), dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 2,4%.

Giới quan sát kinh tế quốc tế cho rằng, sự phục hồi của kinh tế Mỹ có khả năng dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Nhóm chuyên gia đến từ WB cho rằng tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu cả năm 2024 có thể ở mức 2,6%, khác nhiều so với dự báo 1,8% hồi đầu năm. Còn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng con số đó phải ở mức 3,2%.

Ông Indermit Gill - chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 là lạc quan, tuy vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước năm 2020 (trước đại dịch Covid-19).

Tại Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, Liên hợp quốc đưa ra đánh giá lạc quan nhưng khá thận trọng khi cho rằng các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng nhưng vẫn đối mặt với một số thách thức. Báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng kinh tế thế giới được cải thiện nhờ triển vọng tích cực tại Mỹ cùng một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức 4,7% trong dự báo hồi tháng Giêng. Trong khi đó, Liên hợp quốc lại hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế tại Liên minh châu Âu (EU) từ 1,2% xuống còn 1%.

Theo nhóm chuyên viên Liên hợp quốc, lãi suất vay ở mức cao kéo dài, nợ xấu và rủi ro địa chính trị leo thang có thể vẫn là những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những tháng còn lại của năm nay.

Tuy nhiên, trong một Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của IMF, cho dù còn nhiều yếu tố bất ổn chi phối nhưng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2024 là khá rõ ràng. Theo nhóm chuyên gia IMF, cần phải tính đến dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ được nâng lên mức 2,7% từ mức 2,1% dự báo đầu năm nay. Cùng với đó tăng trưởng kinh tế Brazil dự báo khoảng 2,2%; Indonesia 5,1%; Ấn Độ 6,8% và bất ngờ là kinh tế Nga dự báo tăng lên 3,2% (từ mức dự báo trước đó là 2,6%).

Nhà kinh tế trưởng của IMF, tiến sĩ Pierre-Olivier Gourinchas nói rằng, kinh tế toàn cầu 2024 có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, dẫu phía trước còn nhiều thách thức. Vì thế, cần những hành động quyết đoán của các chính phủ, các ngân hàng trung ương và các tập đoàn kinh tế hùng mạnh đa quốc gia. “Nếu không, kinh tế thế giới có thể chệch đường ray vào cuối năm” - tiến sĩ Gourinchas khuyến cáo. Theo vị chuyên gia này, những rủi ro có thể đến từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông, làm ngưng hoặc thậm chí đảo ngược những tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực kiểm soát lạm phát trên toàn cầu.

“Trong một thế giới nơi những cú sốc liên quan đến nguồn cung ngày càng thường xuyên hơn và nhu cầu tài chính ngày càng tăng, thì cuộc chiến chống lạm phát có thể còn lâu mới đến đích. Đặc biệt là với các nước nghèo vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 cùng với chi phí sinh hoạt gia tăng, nợ công ngày một chồng chất” - ông Gourinchas đưa ra nhận xét.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), tiến sĩ Mathias Cormann nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu đã tỏ ra kiên cường, lạm phát đã ở trong tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương và rủi ro đối với triển vọng đang trở nên cân bằng hơn, vì thế tốc độ tăng trưởng toàn cầu ổn định trong năm 2024 và 2025.

Tuy vậy theo OECD, triển vọng tăng trưởng tiếp tục khác nhau giữa các quốc gia. 2 khu vực được cho là dừng ở mức tăng trưởng chậm là châu Phi và EU, trong khi Bắc Mỹ và Đông Á được cho là có sự tăng trưởng ngoạn mục vào cuối năm 2024.

Trong báo cáo công bố mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới. OPEC cho rằng, bất chấp những rủi ro suy giảm, đà tăng trưởng liên tục được ghi nhận trong hơn 6 tháng qua kể từ đầu năm có thể tạo thêm đà đi lên cho nền kinh tế thế giới trong năm 2024 và năm sau. OPEC dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ở mức 2,8% và 2,9%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu đã sáng hơn