Quốc tế

Kinh tế toàn cầu đang phân khối

THẾ TUẤN 26/11/2023 09:13

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cảnh báo, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể đẩy nhanh quá trình phi toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, tác động nghiêm trọng đến ổn định tài chính và thương mại toàn cầu.

anh-bai-kinh-te-the-gioi.jpeg
Thị trường chứng khoán Mỹ nhộn nhịp thời điểm cuối năm. Nguồn: CNBC.

Theo bà Lagarde, không chỉ châu Âu mà thế giới đang ở thời điểm quan trọng khi phải đối mặt với một loạt thách thức. Phát biểu tại Đại hội Ngân hàng châu Âu mới đây, bà Lagarde nói: "Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành các khối cạnh tranh với nhau".

Cùng đó, Chủ tịch ECB cho rằng, khi các rào cản thương mại mới xuất hiện, rất cần phải đánh giá lại chuỗi cung ứng và đầu tư để tìm ra lối thoát an toàn và hiệu quả.

Cảnh báo bà Lagarde đưa ra sau các báo cáo trước đó của ECB khi cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ "thay đổi mang tính chuyển đổi". Theo ECB, một thế giới bị phân mảnh sẽ dẫn đến việc nền kinh tế toàn cầu chia thành “các khối” khác nhau, đồng nghĩa với việc khoảng cách giàu - nghèo giữa các quốc gia, khu vực tăng lên.

Trong khi đó, ngày 24/11, theo đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới hiện đang có những mảng sáng tối đan xen ở từng khu vực khác nhau.

Về tổng thể, IMF đánh giá khả năng kinh tế thế giới “hạ cánh mềm” đã tăng lên, nhưng có sự khác biệt giữa các nước, phụ thuộc vào nhu cầu dịch vụ, tác động do giá năng lượng tăng, vừa có thể tiếp tục kéo dài chuỗi tháng ngày lạm phát, nhưng cũng lại dẫn đến suy thoái ở một số quốc gia do sức tiêu thụ giảm.

So với báo cáo hồi tháng 6, IMF cho rằng khi sắp hết năm 2023 tình hình kinh tế thế giới đã tốt lên, nhưng những rủi ro vẫn tiềm ẩn. IMF cũng đã đưa ra dẫn chứng ở một số nền kinh tế tiêu biểu.

Với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản, kể từ tháng 7/2023, kinh tế tốt lên. Nhưng đến tháng 11, lại phải đối mặt với suy thoái. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2,1% trong quý 3 năm nay, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo trung bình của thị trường với mức giảm 0,6% hàng năm. GDP Nhật Bản đã tăng trưởng ở mức 4,5% trong quý 2.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trong quý cuối cùng của năm 2023, không loại trừ rơi vào suy thoái" - ông Takeshi Minami (Kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin) nhận định và nói thêm: "Tăng trưởng yếu và “bóng ma” lạm phát chậm lại có thể trì hoãn việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản thoát khỏi lãi suất âm".

Sự suy giảm GDP này được cho là do lạm phát cao dai dẳng đã gây sức ép lên tiêu dùng hộ gia đình. Trong khi đó, Stefan Angrick - nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, cho biết: "Những số liệu đáng thất vọng đóng vai trò như một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn".

Còn tại Anh, ngày 24/11, Văn phòng Thống kê quốc gia cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 10 của nước này đã giảm 0,3% so với tháng trước và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là doanh số bán lẻ thấp nhất tại nước này kể từ tháng 2/2021. Mức giảm đó trái với dự báo tăng trưởng 0,3%. Giới chuyên gia nhận định, doanh số bán lẻ giảm là một trong những dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế vào cuối năm.

Còn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), báo cáo mới đây của S&P Global đi cùng nhận xét "triển vọng kinh tế ảm đạm, việc làm trì trệ”. Báo cáo cũng chỉ ra rằng sự sụt giảm sản lượng diễn ra trên diện rộng trên toàn khu vực sử dụng đồng Euro, ngoại trừ Tây Ban Nha. Đức và Pháp tiếp tục giảm mạnh, trong khi Italy ghi nhận mức suy thoái kinh tế nhanh nhất kể từ năm 2022. Ireland ghi nhận mức giảm sản lượng đầu tiên sau 11 tháng.

Cyrus de la Rubia - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg cho biết, dù là người lạc quan nhất thì cũng khó có thể vẽ một “bức tranh màu hồng” cho kinh tế EU trong tháng cuối cùng của năm nay. Điều này xuất phát từ những dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu “phân khối” thì tình thế lại sáng sủa ở hai nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc và Mỹ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố số liệu cho thấy tình hình tín dụng nước này đã cải thiện, khi các ngân hàng cho vay mới cao hơn dự báo của giới chuyên gia kinh tế. Nhất là “hoàn lưu bão bất động sản” được cho là sắp “ấm” hơn.

Tại Mỹ, lạm phát của tháng 10/2023 đã được kéo giảm xuống 3,2%. So với mức 9,1% ở tháng 7/2022 thì đó là khoảng cách “một trời một vực”. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng, nếu con số tăng trưởng 4,7% của tháng 10 được xác nhận thì kinh tế Mỹ sẽ về đích tốt hơn dự báo hồi đầu năm.

Ngày 23/11, Bloomberg đưa tin, sự trỗi dậy nhanh chóng của BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Tỷ trọng kinh tế của nhóm này trong GDP thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vượt tỷ trọng của các nền kinh tế tiên tiến lớn của Nhóm G7 (gồm các nước công nghiệp phát triển: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức và Nhật Bản). BRICS chiếm 36% nền kinh tế toàn cầu, so với 30% của G7. Đặc biệt, khi BRICS sẽ kết nạp thêm một số nước kể từ tháng 1/2024, trong đó có một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn ở Trung Đông thì rất có thể BRICS dẫn dắt nền kinh tế thế giới thay cho G7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu đang phân khối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO