Kinh tế toàn cầu: Dự báo và cảnh báo

Thanh Đức 18/01/2022 07:11

Kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục nhanh trong năm 2022 - đó là nhận định từ một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây. Trong khi đó, khảo sát với 1.000 nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, chuyên gia cho kết quả: chỉ có 1/6 số này lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới.

Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ được cho là khả quan trong năm 2022. Nguồn: Reuters

Báo cáo của WEF cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa hàng đầu với kinh tế toàn cầu năm 2022 chứ không phải là Covid-19. Tuy nhiên, WEF cũng thừa nhận đại dịch Covid-19 đã xói mòn liên kết xã hội, tạo ra khủng hoảng sinh kế, suy giảm sức khỏe tâm thần.

Đáng chú ý, theo WEF, việc không hành động với biến đổi khí hậu có thể làm giảm 1/6 GDP toàn cầu. Bên cạnh đó một số rủi ro khác đến từ các thách thức an ninh mạng, khủng hoảng di cư, cạnh tranh không gian.

Những dự báo lạc quan

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng thế giới đã bước vào giai đoạn phục hồi quan trọng, bất chấp “những vấn đề cũ” như Covid-19, chuỗi cung ứng đứt gãy… vẫn còn đó.

Bloomberg đưa ra đánh giá của 50 định chế tài chính, trong đó cho rằng kinh tế Mỹ “rất triển vọng” năm nay. Trong đó, từ khóa “lạm phát” được nhắc tới nhiều nhất với 224 lần và đi kèm với nó là các từ như “cao hơn” hoặc “nâng” (lãi suất). Trong khi đó từ “Covid-19” chỉ được nhắc tới 36 lần và thường gắn với hy vọng rằng vaccine sẽ chấm dứt đại dịch.

Trang tài chính của CNN thận trọng hơn khi đưa ra những điều có thể thay đổi cục diện kinh tế nước Mỹ năm 2022, trong đó có các yếu tố tác động khi Omicron không phải là biến thể cuối cùng. Cùng đó là lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trên phạm vi toàn cầu, trang Tài chính Yahoo trích dự báo của ngân hàng JPMorgan cho rằng, kinh tế thế giới năm 2022 đạt 4,3%, khu vực đồng Eurozone là 4,6%, các nền kinh tế mới nổi là 4,6%. Trong đó 2 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ tăng 3,8% và Trung Quốc 4,7%. “Năm 2022 nền kinh tế toàn cầu hồi phục đồng đều và dần lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch” - theo JPMorgan.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của nước Anh (do Bloomberg dẫn nguồn) thì nền kinh tế toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD vào năm 2022, sớm hơn 2 năm so với các dự báo trước kia.

Cảnh báo rủi ro

Tuy mức độ lạc quan khác nhau về tăng trưởng toàn cầu năm 2022, song giới chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo rủi ro. Trước hết, biến chủng Omicron và làn sóng những đợt phong toả là mối lo đầu tiên. Theo đó, chỉ cần 3 tháng phong tỏa cực nghiêm ngặt, tăng trưởng kinh tế 2022 sẽ tụt về mức 4,2%.

Rủi ro thứ hai là lạm phát. Hiện tại Mỹ, mức lạm phát đã lên 6,8%, ngưỡng cao nhất kể từ năm 1982 - theo Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Lạm phát tăng thì người tiêu dùng, đặc biệt là những hộ gia đình thu nhập thấp, sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một rủi ro khác được cho là đe dọa sự bất ổn thời hậu Brexit. Nhưng ý kiến thiếu lạc quan còn cho rằng đó là “câu chuyện không hồi kết”. Tuy Brexit chỉ là vấn đề của Anh và EU, nhưng trên thực tế nó đã tác động tới rất nhiều quốc gia. Giới quan sát ví von, đây là cuộc “ly hôn vô tiền khoáng hậu, đắt giá nhất trong lịch sử”.

Sản xuất nông nghiệp cũng được cho là sụt giảm sản lượng, khi mà “nhiều cánh đồng bị bỏ hoang”. Nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, diện tích đất bị sa mạc hóa đang tăng lên; đồng thời dòng người từ nông thôn từ bỏ ruộng vườn ra thành thị kiếm việc làm ngày càng tăng. “Nông nghiệp không cho người ta thu nhập tốt, nên số người chia tay với nó sẽ còn nhiều hơn. Điều đó ảnh hưởng lập tức tới nguồn cung nông phẩm toàn cầu” - bà Miranda Latilla, chuyên gia nông học Nam Phi cảnh báo.

Một nguyên nhân khác cũng không kém nguy hiểm dẫn tới “xáo trộn” kinh tế toàn cầu, đó là nạn tin tặc trên không gian mạng. Năm 2021, thế giới đã chứng kiến tới 14 tỷ USD “bay hơi” trong hệ thống tiền kỹ thuật số (tiền ảo). Điều này dấy lên lo ngại về sự bùng phát nạn rửa tiền.

Mới đây, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo: Kinh tế toàn cầu 2022 tăng trưởng 4%. Như vậy, mức dự báo tăng trưởng này thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021 và tới năm 2023 sẽ chỉ còn 3,5%. Những nguyên nhân chính được cho là “cơ sở” của dự báo là dịch Covid-19, những thách thức về thị trường lao động, chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao.

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng cùng với đại dịch Covid-19 đang tiếp diễn, “áp lực lạm phát ngày càng tăng cao ở các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế đang phát triển tạo thêm nhiều nguy cơ đe dọa quá trình phục hồi toàn cầu. Lạm phát toàn cầu đã tăng lên tới 5,2% trong năm 2021. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cảnh báo, hậu quả lâu dài của đại dịch sẽ dẫn tới khoảng cách bất bình đẳng giữa các nước ngày càng xa. “Đối với phần lớn các nước đang phát triển, khả năng phục hồi hoàn toàn chỉ số GDP bình quân đầu người hay không hiện vẫn chưa rõ” - báo cáo viết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu: Dự báo và cảnh báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO