Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho rằng, trong vòng 5 năm tới, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu nhất kể từ những năm 1990. Riêng năm 2023, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ chỉ tăng 2,9%. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng từ 6,3% đến 7%.
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”, WB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ là 6,3% trong năm 2023. Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, nhấn mạnh cùng với sự cải thiện về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 của Việt Nam có thể ở mức 4,5% và sẽ giảm dần xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 3,0% vào năm 2025.
Nhiều dư địa để phát triển
Cũng theo nhóm chuyên gia WB, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút nhiều lao động và năng suất lao động của Việt Nam cũng đang được cải thiện. “Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn” - bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư coi là quốc gia khởi nghiệp đáng quan tâm trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Theo dữ liệu của DealStreetAsia, trong tổng số 15,82 tỷ USD vốn đầu tư khởi nghiệp được huy động ở ASEAN vào năm ngoái, các công ty ở Philippines và Malaysia chiếm lần lượt 3,9% và 3,3%, trong khi đó Việt Nam chiếm 4,5%. Thị trường khởi nghiệp của Việt Nam sẽ nhận được dòng vốn đầu tư trị giá 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.
Theo Sputnik, Việt Nam đang quyết liệt đánh dấu chủ quyền Make in Vietnam trên thị trường hơn 1.800 tỷ USD, điều đó càng hiện thực hóa kỳ vọng Việt Nam “hóa rồng” trong tương lai không xa. Chiến dịch “Make in Vietnam” chính thức được ra đời vào tháng 5/2019 đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho nền công nghệ số Việt Nam, nhằm dịch chuyển từ gia công sang làm chủ công nghệ.
Nếu như năm 2019, tổng doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, với hơn 45.000 doanh nghiệp (DN) số, thì đến năm 2022, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, con số trên đã tăng đến 148 tỷ USD và hơn 70.000 DN công nghệ số. Tỷ lệ giá trị Việt Nam năm 2022 ước đạt 27%; tăng 2,35% so với năm 2021. Đã có khoảng 60% số DN đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Dẫn lời đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Việt Nam, Sputnik cho biết, nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ bằng 1/10, nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam đang là top 2 điểm đến ở ASEAN xu hướng và giá IT gia công. “Những sản phẩm dịch vụ mà DN Việt Nam đang cung cấp cho DN nước ngoài tại Việt Nam, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới. Việt Nam có đầy đủ nguồn lực và nhân lực đáp ứng được 70% tất cả các dịch vụ đó” - nhận định của Sputnik.
Kiềm chế lạm phát, giữ giá đồng tiền
Cuối tháng 3/2023, trả lời phỏng vấn tờ The Korea Herald (Hàn Quốc), ông Kim Jong-seok - Giám đốc điều hành Ngân hàng Securities Việt Nam có trụ sở tại Seoul, đánh giá trong vài năm qua kinh tế Việt Nam đã vượt các quốc gia ASEAN mới nổi khác. Quá trình tăng trưởng kinh tế đặc biệt của Việt Nam dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, mở đường cho sự phát triển của thị trường vốn địa phương. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hơn 4.000 USD năm 2022, trong khi con số này đối với những người sống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là khoảng 8.000 USD/năm. Ông Kim cũng cho rằng, dù hiện tại chỉ có khoảng 37 triệu người sống ở các thành phố, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ được đẩy nhanh hơn khi quá trình đô thị hóa dẫn đến tăng trưởng thu nhập.
Cũng rất đáng chú ý khi nhóm chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, năm 2023, lạm phát tại các nước vẫn ở mức cao trong khi Việt Nam có thể kiềm chế ở mức từ 4% đến 6%.
Vẫn theo Standard Chartered, cho dù quý I/2023 tăng trưởng thấp nhưng những quý còn lại tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn, kết thúc năm 2023 có thể đạt mức 7,2%
“Việt Nam có triển vọng phát triển trong trung và dài hạn, mang lại tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu” - bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh.
Cho rằng giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định là một lợi thế để tăng trưởng, ông Divya Devesh - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered dự đoán năm 2023 trung bình 1 USD quy đổi ra tiền Việt Nam là 23.400 đồng, còn năm 2024 là 23.000 đồng.
Còn, dưới cách nhìn khái quát nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam dự báo, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có nhiều động lực tăng trưởng trong năm 2023.
Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn đã rất mạnh của Việt Nam ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Thứ hai là nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tăng cho dù phải chịu ảnh hưởng bởi lạm phát. Thứ ba là vai trò của đầu tư, cả đầu tư công trong nước cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Năm 2023, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn, sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” ở cả bên ngoài và bên trong. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong 3 thập kỷ qua, thì đó là điểm tựa quan trọng để vượt qua khó khăn” - ông Coppola nói.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:
Chính sách tài khóa đóng vai trò cốt yếu
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2022, ở mức 8%. Quý 1 của năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nên tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng không thể không bị ảnh hưởng. “Chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ và thực thi hiệu quả sẽ tiếp tục đóng vai trò cốt yếu đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình toàn cầu có nhiều bất ổn” - bà Carolyn Turk nhấn mạnh và cho rằng, khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng. Trong đó bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát và giám sát chắc khu vực tài chính. Từ đó, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm, coi đó là chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. “Các hoạt động đầu tư vào thời điểm này sẽ quyết định nền kinh tế sẽ có gì trong 10 - 20 năm tới” - bà Carolyn Turk nói.