Đánh giá khá tích cực về các chỉ tiêu kinh tế, bên lề kỳ họp QH, ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho rằng, tổng hòa các yếu tố đã hỗ trợ tốt cho kinh tế phục hồi rõ nét.
Ông Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Hoàng Long.
Nhìn vào bức tranh kinh tế 2015, ông đánh giá thế nào về công tác điều hành của Chính phủ thời gian vừa qua?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Với sự quyết tâm rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2015. Nền kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhất là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 khả năng đạt trên 6,5%.
Hơn nữa, các yếu tố về kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, chỉ số lạm phát chỉ ở mức 2%, rồi chúng ta tiếp tục cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể, góp phần tăng trưởng ngoại hối, tình hình về tỷ giá được điều hành, kiểm soát một cách linh hoạt, qua đó góp phần kéo giảm được lãi suất trên thị trường. Nhờ các yếu tố này đã hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế rõ nét.
Bên cạnh đó, các hoạt động về xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng được chú ý. Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nhìn nhận hết sức cụ thể về những tồn tại. Ví dụ như những vấn đề về ô nhiễm môi trường, về tình trạng tai nạn giao thông, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thấy một số tồn tại nhất định đó.
Với thành công của năm 2015, chúng ta đã đưa ra phương hướng kế hoạch 2016, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2015, ở mức 6,7%. Đồng thời quan trọng là chúng ta sẽ kéo giảm bội chi NSNN năm 2015 ở mức 5% GDP, như thế thì năm 2016 bội chi ở mức 4,95%.
Tôi đánh giá rất cao về tình hình thực hiện ngân sách của chúng ta trong năm 2015 bởi vì giá dầu thô trên thế giới đã giảm rất sâu từ 100 USD/thùng, xuống chỉ còn khoảng 50 USD/thùng nên làm hụt thu nguồn thu dầu thô lên tới 32 nghìn tỷ. nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cân đối được NSNN và giữ được mức bội chi ở mức 5% GDP. Như vậy là đã có sự tập trung tất cả nguồn thu và kiểm soát các nguồn chi một cách chặt chẽ.
Hơn nữa về chỉ số ICOR, chỉ số hiệu quả trong đầu tư công thấy một cách rõ nét là có sự cải thiện bởi vì tổng vốn đầu tư xã hội năm 2015 chỉ ở mức khoảng 30%, tức là hệ số ICOR chỉ ở mức 5 so với trước đây lên tới 6,5 thậm chí là 8.
Điều đó cho thấy quá trình tái cơ cấu của chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống NHTM, các tổ chức tín dụng, chúng ta đã giảm được nợ xấu và từ đó nó làm tăng được lưu thông tiền tệ, tín dụng, dư nợ tín dụng đã tăng trở lại do đó đã tạo được vốn đầu tư tăng lên. Nhờ đó góp phần làm tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch mà chúng ta đề ra.
Trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính có đề cập đến việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài, ông nghĩ sao về chủ trương này?
Để tập trung đầu tư cho phát triển ngày càng cao, nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam rất lớn. Việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là cần thiết. Vấn đề hiện nay của chúng ta là sử dụng nguồn vốn như thế nào để phát huy được hiệu quả để có nguồn thu tăng thêm cho tương lai. Cái chúng ta có thể quan tâm đến hiện nay là nợ nước ngoài thì dư nợ nước ngoài có xu hướng giảm so với tỷ trọng GDP nhưng nợ trong nước tăng lên.
Điểm nữa là theo kế hoạch chúng ta sẽ bán , thoái vốn, tức là bán vốn ở một số DNNN khoảng 40 nghìn tỷ đồng để 10 nghìn tỷ đồng đắp vào tổng NSNN năm 2015 và 30 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho năm 2016. Đấy là kế hoạch mà chúng ta sẽ thực hiện trong năm 2016 về 40 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt trên 6,5%.
Với số tiền 3 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài để cơ cấu lại nợ, ý kiến của ông ra sao?
Năm 2015, các khoản trái phiếu đến hạn vào khoảng 125 nghìn tỷ đồng và chúng ta đã phát hành trí phiếu đảo nợ khoản này. Năm 2016 khoản trái phiếu sẽ tiếp tục phát hành đảo nợ khoảng 95 nghìn tỷ đồng. Việc chúng ta đảo nợ là chuyện bình thường vì trong tình huống NSNN năm nào cũng bội chi nhưng vấn đề khoản đảo nợ ngày càng giảm và chúng ta có một lợi thế là việc đảo nợ các khoản trái phiếu: Trước đây lãi suất trái phiếu rất cao, giờ đảo nợ với lãi suất thấp như vậy mang lại lợi ích cho chính sách.
Một điểm khác là khoản nợ công năm 2014 thì dự kiến nợ công cuối năm 2015 sẽ ở mức khoảng 64% GDP nhưng đến nay mặc dù tình hình NSNN khó khăn nhưng nợ công chỉ ở 61,3%. Hay nợ nước ngoài dự kiến chúng ta khoảng 42% GDP nhưng cuối năm nay chỉ khoảng 41,5%.
Như vậy nợ công của chúng ta có tăng cao nhưng nó thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Điều đó cho thấy chúng ta đã có những sự cải thiện nhất định khi đã có luật đầu tư công cũng như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt kết quả nhất định.
Trân trọng cảm ơn ông!