Kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới

M.Loan - H.Vũ 21/10/2021 23:42

Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Mở cửa nhưng cảnh giác

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, không thể đóng cửa mãi, các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế - xã hội. Mặc dù đây là yêu cầu rất lớn hiện nay nhưng vẫn phải có tinh thần đề cao cảnh giác khi dịch Covid-19 đang đe doạ nước ta và các nước trên thế giới.

Về kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước cho rằng, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội có những khó khăn nhất định nhưng khi mở cửa, không khí làm ăn của các doanh nghiệp (DN) cả nước đã dần tốt lên. Bên cạnh nhiều tấm gương tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TP HCM. Trong đó, riêng TP HCM đã có có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc.

“Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch, sống chung với dịch với điều kiện cụ thể” - Chủ tịch nước nhấn mạnh và tin tưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022 có thể phấn đấu đến con số tăng trưởng 6,5% GDP.

Đại biểu Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế cần căn cứ vào tình hình thế giới để tính toán, đưa ra giải pháp thích hợp. Theo đó, tình hình thế giới năm 2021 chuyển sang 2022 xác định vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế nên tiềm ẩn bấp bênh và rủi ro.

Theo ông Sơn, nhìn chung kinh tế các nước châu Á và Đông Nam Á giảm so với dự kiến, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt các nước xác định dịch còn kéo dài chưa chấm dứt ngay được. WHO cũng xác định dịch này dần sẽ như là cúm mùa và còn kéo dài, do đó các nước chuyển sang vừa chống dịch, vừa thích ứng với tình hình mới.

Cũng theo ông Sơn, qua kinh nghiệm các nước chuyển đổi sang mô hình mới, có một số nơi có ca nhiễm tăng như: Singapore, Anh nhưng tổng thể các ca bệnh nặng và tử vong thấp đi. Cho nên việc mở cửa thích ứng vẫn sẽ triển khai, trong đó ưu tiên cho công tác chống dịch.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Để đẩy nhanh việc khôi phục kinh tế chuyển sang trạng thái bình thường mới, ông Sơn cho rằng, có 3 điều kiện đó là bao phủ tiêm chủng vaccine. Bởi các nước tiêm từ 70% trở lên thì tỷ lệ lây nhiễm thấp. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới vấn đề thiếu hụt lao động do di cư. Đây là vấn đề các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã gặp phải trong thời gian qua.

“Ngay các doanh nghiệp lớn như Nike, Adidas, Foxcon cũng lo sợ đứt gãy chuỗi sản xuất nên một số tỉnh phía Nam đã có chính sách hỗ trợ để người lao động ở lại làm việc” - ông Sơn nói, đồng thời đề nghị quan tâm tới cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính.

Lý giải cho đề xuất này, ông Sơn nêu rõ: Thời gian qua đã bộc lộ những điểm nghẽn, nhân thời điểm này cần hoàn thiện cơ chế, hoàn thiện thể chế về đất đai, vốn, lao động, khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh tuần hoàn. Nhất là muốn đẩy kinh tế số phát triển thì đầu tiên phải có thể chế, sau đó mới đến con người.

Nêu quan điểm của mình, Đại biểu Lương Quốc Đoàn (đoàn An Giang) cho rằng: Năm 2022 kinh tế thế giới khó có thể hồi phục, do đó chúng ta cần có giải pháp, chính sách mạnh hơn để phát triển thị trường trong nước. Cần chính sách rõ ràng hơn phát triển kinh tế nông thôn. Phải có chính sách để định vị vấn đề trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn là gì?

“Gần đây, trong phát triển kinh tế nông thôn chúng ta nhận định, kinh tế tập thể, hợp tác xã là mấu chốt. Vậy phải xác định rõ điểm mấu chốt này để định vị phát triển. Có đúng kinh tế tập thể, hợp tác xã là mấu chốt hay không, nếu đúng thì phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển mô hình này. Vấn đề này, chúng ta đã có luật, có chính sách nhưng thực hiện chưa mạnh mẽ”- ông Đoàn nói.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) thì nhấn mạnh: Để phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế hiệu quả trong năm 2022, chúng ta cần chuẩn bị giải pháp quyết liệt hơn, đặc biệt là về tài khóa, tiền tệ. Nhất là tại Việt Nam, nhiều công trình hạ tầng lớn có sẵn nhu cầu đầu tư có thể triển khai được ngay như cao tốc, sân bay, cảng biển nhằm tạo việc làm, cơ sở hạ tầng cho quốc gia khi Covid-19 dần được kiểm soát.

Cảnh sát cơ động được ngăn chặn phương tiện bay không người lái

Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Dự thảo luật gồm 5 chương, 31 điều. Trong dự thảo Luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động. Thứ nhất, cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động.

Theo Đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An), cần quy định phạm vi địa bàn nào thuộc cảnh sát cơ động chủ trì? Vì biên giới có lực lượng bộ đội biên phòng, trên biển có lực lượng cảnh sát biển. Do đó nhiệm vụ cảnh sát cơ động phải rõ ràng, không được chồng chéo với các lực lượng khác. Còn theo Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cần quy định rõ “thế nào là trường hợp cấp bách”? vì nó liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, bởi vậy cần quy định rõ để tránh lạm quyền.

H.Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới