Mới đây, tại Hà Nội sự việc một con chó Ngao nặng 40 kg đang được nuôi trong gia đình đột nhiên tấn công bé gái gây chảy máu nhiều dẫn đến sốc mất máu và tử vong đã gây ra sự lo lắng cho nhiều gia đình đang nuôi loài vật được cho là gần gũi và thân thiện với con người này. Được biết, người mẹ lao vào cứu con cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay.
Tiến sĩ Lê Việt Khánh, Phó Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhi vào viện trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ cấp cứu truyền dịch, cầm máu, ép tim, dùng thuốc trợ tim... suốt hai giờ song vẫn không cứu được. Trẻ tử vong do biến chứng sốc mất máu.
Theo BS Khánh, chảy máu ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến sốc do mất máu quá nhiều. Vì thế, sơ cứu cầm máu cho trẻ trong tình huống này rất quan trọng. Chó nuôi trong gia đình phải cách ly với trẻ, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Chó phải được tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ, ra khỏi nơi nuôi nhốt cần được rọ mõm.
Về nguy cơ này, BS Hoàng Văn Tân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, những tai nạn do chó cắn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt với các em nhỏ nếu không được cách ly hoặc tiếp xúc không đúng cách, kể cả khi gia đình nuôi chó trong nhà.
Theo bác sĩ Tân, khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn 70 % hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, tuyệt đối không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.
“Không có bất kỳ chống chỉ định nào về điều trị phòng bệnh dại. Phụ nữ có thai vẫn phải tiêm văcxin hoặc huyết thanh kháng dại”, bác sĩ Tân cho biết.
Đến nay, cả y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đều khẳng định không chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Tử vong do bệnh dại hầu như không tránh khỏi. Biện pháp duy nhất để cứu giúp người bệnh là điều trị bằng văcxin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn.