Hơn 9.000 ha cà phê ở huyện Đăk Hà (Kon Tum) đang vào vụ thu hái. Tuy nhiên, việc tìm kiếm hàng nghìn lao động cùng lúc ở thời điểm hiện nay với người trồng cà phê tại đây là bài toán nan giải.
Thu hoạch cà phê.
Nhiều ngày cất qua công đi tìm nhân lực thu hái cà phê, anh Đậu Minh Tính (thôn Hải Nguyên, xã Hà Mòn) vẫn chưa tìm được người. “Tôi thường thuê người ở Quảng Ngãi lên nhưng năm nay rất khó thuê. Giờ nguồn lao động hiếm, mọi người phải cạnh tranh”, anh Tính thừa nhận.
Không chỉ anh Tính, thời điểm này, nhiều chủ vườn cà phê vẫn loay hoay gần 1 tuần không tìm được người để thuê thu hái cà phê. Theo ông Sức, vụ thu hoạch cà phê năm nay thuê lao động rất khó. “Đi 5 ngày mà chưa gọi được người nào. Đăk Hà diện tích cà phê lớn, nhu cầu tuyển lao động hái nhiều, giờ cà phê đã vào vụ thu hoạch, nhân công lao động ít, nhu cầu thuê cao nên mọi người phải ra đây tìm” ông Trương Đức Sức, ở tổ dân phố 2A, huyện Đức Hà cho biết thêm.
Thừa nhận đi hái cà phê cho thu nhập cao hơn so với làm lao động thủ công ở Quảng Ngãi nhưng chị Đinh Thị Bài (quê ở xã Sơn Tăng, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho biết: Đi hái cà phê rất vất vả, hàng ngày phải dậy từ 4 giờ , trưa nghỉ 1 tiếng để ăn và sau đó làm đến cuối buổi chiều. Vì thu nhập, chị phải lên Kon Tum làm thuê.
Ông Phan Văn Hang ở xã Sơn Ba huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) cho biết thêm, ở quê mưa, không có việc làm, ông tranh thủ lên Kon Tum tìm việc. Ở dưới quê, tiền công mỗi ngày chưa được 200 nghìn. Đi hái cà phê, nếu làm tốt cho thu nhập 300-400 nghìn đồng. Hái cà phê vất vả vì ngoài hái còn phải kéo bạt… nhưng thu nhập tốt hơn.
Khá nhiều người làm công không cần tìm việc mà tìm người đáp ứng nhu cầu cá nhân và giá cả. Những ngày qua, dọc trên Quốc lộ 24, những dòng người chạy xe máy từ Quảng Ngãi không ngừng chạy ngược lên Đăk Hà. Tuy nhiên, vì biết nhu cầu cao nhưng thiếu người, các lao động từ Quảng Ngãi tranh thủ “làm giá”. Từ chỗ 75.000 đồng/tạ đầu vụ, đến nay giá thuê hái bị đội lên đến 90.000 đồng/tạ nhưng vẫn không tìm được người làm.
Một số chủ vườn cà phê cho biết, ngoài đòi hỏi tiền cao, người làm công còn đề nghị nuôi ăn; hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, có sóng wifi để phục vụ nhu cầu giải trí và cá nhân…. Mọi năm, các chủ vườn cây đều giữ mối liên hệ với người lao động ở các tỉnh (chủ yếu người cùng quê) để chủ động trong việc thuê nhân công.
Theo ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà: Những năm gần đây, lao động thu hái mùa vụ cà phê thiếu trầm trọng. Do vậy, huyện Đăk Hà đã có chủ trương điều tiết lao động trong huyện, nhất là trong vùng không có cà phê, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển lao động, vừa tạo thu nhập cho người dân trong thời gian nhàn rỗi và đảm bảo thu hoạch cà phê đúng kịp thời vụ. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, chủ trương trên vẫn không thể giải quyết triệt để việc chủ động tìm nguồn lao động hái cà phê mỗi khi đến vụ hái.
Vụ hái cà phê ở Đăk Hà đã vào cao điểm, mùa mưa tại Kon Tum chưa kết thúc, nếu thu hoạch không kịp, mưa sẽ làm quả rụng, hoa nở sớm, khi thu hái sẽ rụng hoa, ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ sau…. Giá thu mua cà phê thấp, suất đầu tư cao, chi phí thu hái lớn,… nhiều nỗi lo đang bủa vây người trồng cà phê ở Đăk Hà, huyện trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Kon Tum.