Từ năm 2011 đến nay, bên cạnh chỉ tiêu biên chế giáo viên được UBND tỉnh giao, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) vẫn liên tiếp ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngoài chỉ tiêu khiến cho số lượng giáo viên, nhân viên ở các trường dư thừa hàng trăm người.
Sự việc vỡ lở, nguyên Chủ tịch huyện bị kỷ luật, thế nhưng người kế nhiệm vẫn tiếp tục ra quyết định ký hợp đồng ngoài biên chế làm cho giáo viên dư ngày càng nhiều thêm.
Ngôi trường nơi thầy Hồ Văn Thông được ký hợp đồng về công tác.
Qúa nhiều hợp đồng ngoài biên chế
Theo thông báo Kết luận giám sát số 1017-TB/TU ngày 15/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Báo cáo thẩm tra số 35-BC-BKTXH ngày 30/12/2016 của HĐND huyện Krông Pắk, tính đến cuối năm 2016, số hợp đồng giáo viên, nhân viên ngoài chỉ tiêu biên chế tại các cơ sở giáo dục công lập (các bậc mầm non, tiểu học, THCS) trên địa bàn huyện vượt so với quy định 605 người.
Để bố trí việc cho giáo viên hợp đồng thừa, nhà trường đã phải bố trí học sinh chia thành nhiều lớp không đúng theo quy định. Có nhiều trường như Tiểu học Tô Hiệu, Tiểu học Đặng Thùy Trâm, Tiểu học Cư Pul… chỉ bố trí 5 học sinh/lớp ở phân hiệu chính và điểm trường cho các giáo viên thừa được đứng lớp.
Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (xã Ea Knuếc) hiện thừa 22 giáo viên, Trường THCS Hùng Thúc Kháng (xã Ea Phê) hiện đang thừa 16 giáo viên, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé (xã Hòa Đông), UBND huyện giao thừa 16 chỉ tiêu so với định mức quy định. Trường THCS 719, thừa đến 22 giáo viên.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo hiệu trưởng của một số trường học trên địa bàn huyện Krông Pắk, phần lớn số giáo viên hợp đồng thừa ngoài chỉ tiêu, biên chế, hợp đồng ngắn hạn này đều do Phòng GD-ĐT nhận hồ sơ rồi chuyển sang cho UBND huyện ra Quyết định và ép các trường phải nhận vào.
Theo đó, trách nhiệm chính trong việc ký hợp đồng tràn lan thuộc về ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021).
UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị kiểm điểm nhiều cá nhân, tổ chức. Việc tham mưu UBND huyện hợp đồng giáo viên, bổ nhiệm thừa cán bộ lãnh đạo trường học có trách nhiệm của Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk vì đây 2 đơn vị tham mưu cho UBND huyện.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, sắp tới, huyện sẽ tiến hành thi tuyển và lấy 84 chỉ tiêu, dự kiến chỉ thi tuyển trong số GV đang hợp đồng. Như vậy, toàn huyện sẽ thừa 521 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS.
Vì đồng lương quá thấp thầy Hồ Văn Thông phải nghỉ dạy để đi làm thuê.
Lối đi nào cho giáo viên thừa?
Cho đến nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng ngoài biên chế ở huyện này đang rất hoang mang lo lắng. Bởi nếu không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức sắp tới, họ sẽ đối mặt với việc chấm dứt hợp đồng, bị thất nghiệp và xa rời bục giảng.
Thầy Phan Văn Giao, tốt nghiệp Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, ký hợp đồng dạy tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng với mức lương 2,5 triệu đồng chia sẻ: “Vợ tôi là giáo viên cấp 3, may mắn là được biên chế rồi nên tôi đỡ lo lắng. Nghe nói sắp tới đây, huyện tổ chức thi tuyển tôi đang cố gắng hết sức nếu thi đậu thì sẽ ở lại làm giáo viên tiếp. Còn nếu kém may mắn chắc tôi phải tính kế về làm rẫy kiếm kế sinh nhai”.
Anh Nguyễn Thanh Lượng- giáo viên môn Tin học Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Ea Kuang) tâm sự: “Năm 2010 tôi được UBND huyện ký Quyết định về công tác tại Trường với hợp đồng ngắn hạn, đến năm 2011 lại tiếp tục được ký hợp đồng đến năm 2012 và từ năm 2012 đến nay tôi được ký hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu biên chế. Trong 3 lần ký, tôi có 3 quyết định của các đời chủ tịch. Đến nay tôi đã công tác được 7 năm và được nhà trường trả lương 1,6 triệu. Với số tiền lương này không phù hợp với quyết định của huyện đã ký. Hiện nhà trường cắt lương của tôi. Hè tôi không được nhận lương và hợp đồng của tôi bây giờ như những giáo viên hợp đồng mới.
Do lương thấp nên tôi vẫn cố gắng vừa đi dạy vừa tranh thủ làm thêm rẫy ruộng để kiếm thêm thu nhập. Hiện toàn trường có 14 giáo viên hợp đồng như tôi nhưng ai cũng hết sức lo lắng vì không biết đi đâu về đâu”.
Còn thầy Hồ Văn Thông, giáo viên dạy Thể dục hợp đồng tại Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn từ tháng 2/2015 đến tháng 11/2016, cho biết: “Khi ký quyết định tuyển dụng, trường hứa hẹn trả lương tháng hơn 3 triệu đồng nhưng khi đến nhận công tác tôi chỉ nhận được 1,2 triệu đồng, đi làm xa lương thấp không đủ tiền xăng xe, tiền cơm, nên tôi phải xin nghỉ về đi làm thuê cho người ta, kiếm sống”.
Thầy Nguyễn Xuân Nghệ - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết, hiện toàn trường có 18 giáo viên hợp đồng ngoài biên chế, trung bình mỗi tháng các thầy cô giáo hợp đồng được nhà trường trả một triệu đồng, chưa tính thêm tiền lên lớp. Bên cạnh đó nhiều giáo viên hợp đồng không lương, nhà trường còn phải cân đối tiền thai sản của chị em trong lúc nghỉ sinh để chi trả cho các giáo viên hợp đồng dạy thay.
“Tuy là lương thấp nhưng chúng tôi thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, y tế đầy đủ cho các thầy cô. Để thầy cô giáo gắn bó với trường với học sinh, Ban Giám hiệu chúng tôi thường xuyên động viên họ ở lại chờ thời cơ biên chế, rồi cố gắng thi tuyển. Chứ giờ cắt hợp đồng với thầy cô chúng tôi không nỡ” - thầy Nghệ trăn trở.
Những cảnh đời của các thầy cô xuất phát từ sự tuỳ tiện của lãnh đạo huyện Krông Pắk. Những giải pháp hiện đưa ra mới giải quyết được một phần nhỏ số lượng giáo viên dư thừa, chưa nói đến việc giải quyết như thế có khách quan? Và rồi tương lai của hàng trăm giáo viên này không biết sẽ đi về đâu?.