Nhà địa chất học Andrea Ruzo lần đầu tiên biết đến về dòng sông kỳ lạ có thể luộc chín mọi thứ mà nó gặp phải là từ người ông của mình. Và giờ đây, khi đã có đủ khả năng, Ruzo đã đến dòng sông này để tìm hiểu thực hư về một truyền thuyết ở khu vực Amazon kỳ bí.
Dòng sông có sức nóng kỳ lạ đến nỗi
có thể luộc chín bất cứ loài vật nào không may rơi xuống. (Nguồn: DM).
Đó là một con sông kéo dài 4 dặm, nằm sâu trong khu rừng Amazon. Nó nóng đến mức có thể luộc chín bất cứ thứ gì chạm vào nó. Dòng sông này đã có một truyền thuyết gắn liền với người dân Peru, nhưng khi nhà địa chất học Ruzo nghe kể về nó, ông nghĩ rằng đó là một hiện tượng khó có thể xảy ra.
Ông tin rằng phải cần một lượng nhiệt rất lớn từ dưới lòng đất để có thể làm cả một dòng sông nóng đến vậy, trong khi Amazon nằm trong khu vực địa chất không có miệng núi lửa nào hoạt động. Thế nhưng, sau đó Ruzo đã thực sự ngỡ ngàng khi biết được hóa ra dòng sống này là có thật.
Ruzo lần đầu tiên nghe về dòng sông Mayantuyacu khi được người ông kể cho nghe một câu chuyện về việc thực dân Tây Ban Nha giết hại hoàng đế của Inca. Sau vụ sát hại đó, người Tây Ban Nha tiếp tục tiến sâu vào rừng rậm Amazon để tìm kiếm vàng. Khi trở lại, họ kể lại một trải nghiệm đáng sợ về một vùng nước có độc, những con rắn ăn thịt người và một dòng sông sôi sùng sục.
12 năm sau đó, trong một bữa tối gia đình, Ruzo lại được nghe câu chuyện về dòng sông đó một lần nữa, khi người cô của ông nói rằng bà đã từng đến tận nơi để chứng kiến dòng sông đó. Lúc đó là một sinh viên theo đuổi ngành địa chất tại đại học Southern Methodist, Ruzo bắt đầu muốn khám phá bí ẩn của sông Mayantuyacu.
“Tôi bắt đầu tự hỏi, liệu một dòng sông sôi sùng sục có tồn tại?” - ông Ruzo kể lại - “Và hóa ra nó có thật, nhưng chủ yếu có liên quan tới các miệng núi lửa. Bạn sẽ cần một nguồn nhiệt cực lớn để có thể gây nên hiện tượng địa nhiệt như vậy”.
Bất chấp nhiều sự hoài nghi, Ruzo bắt đầu hành trình khám phá của mình vào năm 2011, với sự hướng dẫn của chính người cô của ông. Cuối cùng, Ruzo cũng phát hiện ra một dòng sông sôi dài 4 dặm ngay tại một khu vực chữa bệnh bằng địa nhiệt linh thiêng của người dân Ashaninka ở Mayantuyacu.
Ở khúc lớn nhất, dòng sông này có chiều rộng tới 25 m, và sâu tới 6 m. Nước của nó đủ nóng để có thể ngâm trà túi lọc; và ở một số phần, nước dòng sông này sôi sùng sục.
“Chỉ riêng việc nhúng tay vào nước sông trong vòng nửa giây đã khiến tôi bị bỏng độ 3” - Ruzo kể lại - “Nếu chả may bị ngã, có khi tôi đã chết rồi”.
Cuối cùng, Ruzo đưa ra kết luận, dòng sông có hiện tượng này là nhờ các dòng suối nóng chảy lên từ các lớp đứt gãy địa tầng.
“Cũng giống như máu chảy trong mạch máu trong cơ thể người, Trái Đất cũng có các mạch nước nóng chạy qua các vết nứt và đứt gãy địa chất” - Runzo lý giải - “Và tại bất cứ nơi nào mà các mạch nước này trồi lên được mặt đất, nó sẽ sinh ra một lượng địa nhiệt lớn, như các lỗ phun khí nóng hay suối nước nóng”.
Nhiều phần của dòng sông này nóng đến nỗi có thể lập tức luộc chín bất kỳ con vật hoặc côn trùng nào không may nhảy vào nó. Ruzo kể lại rằng ông đã được chứng kiến rất nhiều loại động vật rơi vào dòng sông sôi sục này, và thấy chúng bị luộc chín.
“Phần đầu tiên bị luộc chín lúc nào cũng là mắt. Chúng dần chuyển thành màu trắng đục như sữa” - Ruzo kể lại - “Các con vật luôn cố gắng bơi ra khỏi đó, nhưng chúng nhanh chóng bị nấu chín đến tận xương bởi nước sông quá nóng. Rồi chúng mất dần sức lực, cho đến lúc nước len lỏi vào trong miệng và nấu chín chúng từ bên trong”.
Vì một lý do nào đó, mà bấy lâu nay giới khoa học thế giới không hề chú ý đến sự tồn tại của dòng sông kỳ bí này, nhưng giờ đây Ruzo đã thay đổi điều đó. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tên “Dòng sông sôi sục: Hành trình khám phá Amazon”, trong đó lần đầu tiên đề cập đến hiện tượng lạ lùng ở sông Mayantuyacu.
Ruzo hiện đang cố gắng cứu lấy dòng sông kỳ lạ này. Khu vực rừng xung quanh nó đã bị phá hủy do tình trạng phá rừng và nếu không được ngăn chặn ngay, địa danh kỳ bí này có thể sẽ sớm biến mất.
Lý giải hiện tượng sông sôi sục Một phần của sông Mayantuyacu sôi sùng sục là do các dòng nước nóng chảy từ các lớp đứt gãy địa tầng. Khi nước mưa rơi xuống các vùng lân cận, chúng tụ lại ở các dãy đá trầm tích. Khi chảy qua lớp đá này, nó được làm nóng lên bởi địa nhiệt từ Trái Đất. Cuối cùng, dòng nước nóng này len lỏi qua các kẽ nứt địa tầng để trồi lên mặt đất. |
Linh Chi