Kỳ đài Hà Nội

MAI CHI 31/08/2023 09:12

Những người đang sống ở Hà Nội có thể đã rất quen với hình ảnh Cột cờ Hà Nội. Bởi mỗi khi chạy xe trên đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ là nhìn thấy, rất gần gũi và thân thiết. Nhưng với khách du lịch, đặc biệt là những người khách nước ngoài, thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bước chân khám phá kỳ đài là một trong những điểm đến họ đặc biệt ưa thích.

Cột cờ Hà Nội ở địa chỉ 28A Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

1.Cột cờ có ở nhiều nơi. Và ở mỗi nơi cột cờ đều có những giá trị lịch sử riêng, có kiến trúc độc đáo, trở thành biểu tượng gắn với vùng đất, là niềm tự hào của người dân sống quanh khu vực đó. Ở nhiều nơi, người dân quen gọi cột cờ là kỳ đài (kỳ là cờ, đài là nhà làm cao để có thể nhìn xa, nhìn rộng được).

Ít ai biết rằng, trước đây chỉ vào những dịp lễ, lá cờ đỏ sao vàng mới được treo trên đỉnh cột. Đến năm 1986, cờ Tổ quốc mới được treo thường trực trên đỉnh cột. Để người dân từ xa đã có thể nhìn thấy, lá cờ có kích thước 4x6m, diện tích 24 m2, được may bằng vải phi bóng ở cơ sở thêu may cờ 67 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Dù được đặt may cẩn thận nhưng vì trên cao gió lộng nên rất nhanh hỏng. Mỗi năm cũng phải thay cờ khoảng 20 lần.

Cột cờ Hà Nội ngày trước có thể ngắm nhìn từ xa. Khi đó nhà cửa xung quanh chưa mọc lên san sát, các rặng cây cổ thụ cũng chưa xuất hiện. Thậm chí, một vài bức ảnh tư liệu còn cho thấy, vào thời Nguyễn, dưới chân kỳ đài có hồ cho voi tắm. Ngày nay, phải đến tận nơi, đặt chân lên 54 bậc kỳ đài ta mới có thể thấy được sự kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo này. Chẳng thế, khi thăm thú nơi đây, du khách phương Tây rất thích thú và hiểu rất rõ lịch sử của Cột cờ Hà Nội. Còn với nhiều người Hà Nội, sự thân quen lại khiến họ có thể chưa nắm được chi tiết về cột cờ độc đáo nằm giữa Thủ đô.

Cột cờ Hà Nội hiện nằm trên phần đất thuộc quận Ba Đình, là một trong những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của Hà Nội, được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Công trình này được xây dựng trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, từ năm 1805 đến năm 1812 thì hoàn thành. Mặc dù chính quyền đô hộ Pháp tiến hành phá hủy nhiều công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội trong những năm 1894-1897 nhưng may mắn thay, Cột cờ Hà Nội đã không bị “đụng tới”. Đến nay, đây là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, trong một bức ảnh được chụp vào năm 1890 bởi Louis Sadoul, một sĩ quan quân y Pháp, khu vực vườn hoa Tượng đài Lênin dưới chân cột cờ ngày nay còn là hồ Voi vì là nơi tắm voi của triều đình nhà Nguyễn. Còn các rặng cây cổ thụ ngày nay khi đó còn chưa được trồng. Trong ảnh, còn có thể thấy quân Pháp đã dựng doanh trại bán kiên cố trên các vòng thành của Cột cờ để đóng quân.

Những người sống lâu năm ở Hà Nội vẫn còn nhớ rõ, ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Sự kiện đó đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy ghi lại. Nghệ sĩ Hữu Cấy từng kể rằng, hôm đó, người dân dồn cả về Cột cờ Hà Nội chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, còi nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.

Công trình kiến trúc Cột cờ Hà Nội không chỉ được các nhiếp ảnh gia khai thác mà còn xuất hiện trong thơ, nhạc, đặc biệt là hội họa. Nhiều họa sĩ đã thể hiện dáng vẻ lộng lẫy của kỳ đài. Đặc biệt, công trình này còn được đưa vào những con tem bưu chính và được in trang trọng trên đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành lần đầu tiên.

2.Nằm sát Thành Cổ, vào thời nhà Nguyễn, Cột cờ Hà Nội còn có chức năng là vọng canh. Từ trên đỉnh của kỳ đài có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ. Vì thế, trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cột cờ cũng là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. Khi đó, từ đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.

Về mặt kiến trúc, Cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau, cao thót dần từ dưới lên trên. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, khỏe khoắn, vững vàng. Đứng dưới chân Cột cờ ngước lên ta cảm nhận được sự hài hòa, thanh thoát giữa các tam cấp, thân cột và vọng canh. Cảm giác nặng nề hoàn toàn không có. Đó là cái sự tài hoa của người thiết kế.

Ở mỗi cấp, tường xây được trang trí bằng những hoa văn khác nhau, tuy đơn giản nhưng lại tạo ra những đường nét mềm mại và vẻ đẹp riêng cho từng cấp. Cột cờ Hà Nội cao hơn 33m. Tính cả trụ treo cờ thì cao hơn 41m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch.

Theo đó, tầng 1 mỗi chiều 42,5m, cao 3m, có 2 thang gạch dẫn lên; tầng 2 mỗi chiều 27m, cao 3,7m có 4 cửa; tầng 3 mỗi chiều 13m, cao 5m; cũng có 4 cửa theo hướng đông, tây, nam, bắc. Trừ cửa hướng bắc, các cửa khác đều có tên riêng.

Cửa hướng đông trên có đắp hai chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng tây với "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), cửa nam với "Hướng minh" (hướng về ánh sáng). Ở cửa hướng bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện.

Còn thân cột cờ hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên, cao 18,2m, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng bằng 39 lỗ hình hoa thị và 6 lỗ hình dẻ quạt. Những lỗ này được đặt dọc các mặt, mỗi mặt có từ 4 - 5 lỗ. Nhờ có các lỗ thông hơi chạy xung quanh thân cột nên ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng. Đỉnh Cột cờ (Vọng canh) được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng 8 mặt, có thể đủ cho 5 - 6 người đứng quan sát.

Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4m, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8m). Phần mái giống như hình nón đội, xương mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói và giữa đỉnh mái có cột sắt cùng với ròng rọc để treo cờ. Tuy nhiên, không phải bất cứ thời điểm nào du khách cũng may mắn được lên đỉnh Cột cờ. Chỉ vào dịp đặc biệt trong năm Bảo tàng mới mở cửa, và khi đó, khách phải xếp hàng.

Điều đặc biệt là giữa những ngày nóng nhất của Hà Nội, nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ như có máy lạnh. Kết cấu các cửa lên xuống của Cột cờ cũng khoa học đến mức mưa lớn đến đâu nước cũng không chảy vào trong lòng tháp.

Trải qua thời gian, Cột cờ Hà Nội đã lưu dấu chân hàng triệu triệu lượt người. Mỗi khi bước lên những bậc kỳ đài đượm dấu thời gian, những câu chuyện lịch sử lại ùa về, khiến người ta cảm thấy cần phải bước nhẹ hơn trên những bậc thềm lịch sử…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ đài Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO