83 bức ký họa màu nước của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn đang là tâm điểm trong hoạt động mỹ thuật Hà Nội. Triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, (66 Nguyễn Thái Học) tới hết ngày 30-6.
Một trong những ký họa trưng bày tại triển lãm
Đông đảo công chúng Hà Nội lui tới triển lãm để được tận mắt chiêm ngưỡng “nhật ký bằng tranh” của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn - một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn).
Kỷ niệm 105 năm ngày mất của danh họa Trần Văn Cẩn (1910- 1994), triển lãm giới thiệu những ký họa màu nước của họa sĩ trong những năm 50-60-70 (thế kỷ XX) với các mảng đề tài phong phú như ký họa thời chiến, phong cảnh, sinh hoạt, chân dung… Chủ đề “Chiến đấu bảo vệ tổ quốc” gồm các ký họa như Nữ dân quân Bảo Ninh (1969), Pháo thủ giá bảo vệ bờ biển (1968), Cảnh giới (1969)... Các tác phẩm như Vá lưới (1965), Phát hoang trồng sắn (1969), Làm thủy lợi (1978) thuộc chủ đề lao động sản xuất. Các tác phẩm Phong cảnh bản Càng (1964), Thuyền sông Hương (1954), Ráng chiều trên đèo Nai (1965)... thuộc chủ đề tranh phong cảnh, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước bằng bảng màu nhẹ nhàng và cảm xúc lãng mạn. Tranh chân dung vốn là thế mạnh của Trần Văn Cẩn, điển hình là bảo vật quốc gia Em Thúy. Các tác phẩm như Chân dung cô T (1963), Cố Thiểm (1966), Hai thiếu phụ và em bé (1955)... lột tả vẻ đẹp mộc mạc của những con người đôn hậu nơi làng quê. Bộ sưu tập này đã được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1980, khi họa sĩ Trần Văn Cẩn còn sống. Sau 35 năm trở lại, những tác phẩm ký họa màu nước nhẹ nhàng, tao nhã, đậm sắc thời gian mang lại cho công chúng mỹ cảm về cảnh vật và con người ở thời kỳ cầm cọ đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Một trong những ký họa trưng bày tại triển lãm
Giới chuyên môn đánh giá, hội họa Trần Văn Cẩn vừa hiện đại mới mẻ, giàu liên tưởng lại vừa phát huy được tính dân tộc và đậm đà sắc vị dân gian. Đó là kết quả một cuộc kiếm tìm lâu dài, đúng đắn, sáng tạo và sâu sắc trong hành trình nghệ thuật vô cùng gian nan mà cũng không kém phần hứng khởi của ông. Đặc biệt, ông vẽ người lao động mà không thấy vẻ lam lũ, nhọc nhằn, ngược lại, toát lên một vẻ đẹp đầm ấm.Và có lẽ Trần Văn Cẩn còn là một trong những danh hoạ vẽ nông dân thành công nhất: bố cục chắc vững, các mảng đầy vơi đan xen tài tình, từ dáng điệu được nghiên cứu một cách công phu, rất xao động, nhuần nhuyên sắc độ đậm nhạt mềm mại, dễ chịu hợp lý...
Triển lãm cũng cho công chúng thấy dấu chân của người họa sĩ trải dài từ trung du, miền núi tới vùng biển,… để ghi lại hình ảnh cuộc sống. Ông không ngần ngại vào các hầm mỏ, đến những chiến trường... vẽ lại những điều quan sát được bằng chất liệu màu nước. Đây không chỉ là những ký họa mang tính mỹ thuật, mà còn là những hình ảnh thực tế trong chặng đường kháng chiến chống Mỹ của lịch sử dân tộc. Nói như họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn không chỉ thể hiện chiều sâu trong suy nghĩ của tác giả mà còn thể hiện chiều dọc chiều dài lịch sử từ Bắc và Nam, từ thời trước Cách mạng cho tới công cuộc kháng chiến. Đây là dịp để công chúng có cơ hội xem lại những hình ảnh về nông thôn, con người Việt Nam được tái hiện lại một cách hiền hòa, thông qua cuốn nhật ký bằng tranh của của họa sĩ Trần Văn Cẩn.