Sáng 9/3, phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau 3 ngày làm việc. Đây là phiên họp cuối cùng của UBTVQH khoá XIII. Trong phiên làm việc này, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, UBTVQH và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp cận thông tin và thông qua Nghị quyết phê chuẩn nhân sự Ban Thư ký nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về Dự thảo báo
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên.
Kiến nghị tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40%
Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (QH) kiến nghị khóa XIV và các khóa tiếp theo tiếp tục tăng cường đại biểu QH chuyên trách lên khoảng 40% tổng số đại biểu QH để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác. Coi trọng chất lượng đại biểu để nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước và tăng tỷ lệ đại biểu QH là các nhà khoa học, đại biểu có trình độ, năng lực và điều kiện hoạt động QH.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đại biểu QH phải là người ưu tú, gương mẫu, tử tế chứ không phải đứng trên dân. Xây dựng pháp luật là phục vụ nhân dân, giám sát cũng nhằm phục vụ nhân dân, hay tiếp xúc cử tri cũng là lấy ý kiến, lắng nghe nhân dân. “Dân như điện còn mình là ắc quy. Họ nạp điện thì ắc quy chạy được. Khi được nhân dân đồng tình, ủng hộ, khích lệ, giám sát, đóng góp ý kiến qua các buổi tiếp xúc cử tri, từ đó mới tạo ra sức mạnh của QH. Không bám sát được hơi thở cuộc sống của nhân dân thì tắt điện”- Chủ tịch QH bày tỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, trước việc Trung Quốc trái phép đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, QH đã có những hoạt động tích cực, Ủy ban Đối ngoại của QH đã gửi các ký thư gửi đến nghị viện các nước trên thế giới nêu lên tình trạng sai trái của Trung Quốc; Chủ tịch QH đã có những phát biểu mạnh mẽ. QH cũng đã sáng suốt, lắng nghe nhiều thông tin chứ không bị tác động. Cho nên cần đưa vấn đề này vào trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền, đề nghị cần đánh giá tập trung tạo điểm nhấn trong công tác lập pháp, công sức trí tuệ của QH trong ban hành Hiến pháp 2013, xây dựng thể chế, các văn bản cụ thể hóa Hiến pháp. Trên cơ sở Hiến pháp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước an ninh đối ngoại, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, nêu trách nhiệm đối với các bộ, ngành. Cần nhấn mạnh việc QH luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, từ QH cho đến đại biểu QH.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, trong nhiệm kỳ qua QH đã quyết nhiều vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng khó khăn cho nên phải làm rõ, nổi bật lên vai trò trong nhiệm kỳ này QH đã tập trung nhiều chính sách phát triển tam nông, chính sách xây dựng nông thôn mới, chính sách đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, chính sách xóa đói giảm nghèo.
Từ ngày 4 đến 16/4, Quốc hội xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước
Thông báo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng Thư ký QH cho biết, chương trình nội dung kỳ họp đã được gửi lấy ý kiến các đoàn ĐBQH. Theo đó kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào 16/4. Trong đó dự kiến QH sẽ dành thời gian 12 ngày để bàn về công tác nhân sự Nhà nước.
Ông Phúc cho biết, tại kỳ họp này QH sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, cũng theo ông Phúc, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; Xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của QH, các cơ quan của QH, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, chương trình kỳ họp QH sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự từ ngày 4 đến 16 tháng 4, tuy nhiên trong thời gian này lại có công tác bầu cử khi hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17 cùng tháng, diễn ra cả ở Trung ương lẫn ở địa phương, cao điểm nhất là 14 và 15-4, nhiều đại biểu sẽ phải về địa phương để lo cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba, cho nên chương trình kỳ họp cần tính toán lại để các ĐBQH có mặt khi Quốc hội bàn về công tác nhân sự của Nhà nước sao cho bỏ phiếu được tập trung.