Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Gỡ ‘nút thắt’ giải ngân chậm

M.LOAN-H.VŨ 23/10/2022 06:30

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 22/10. Ảnh: Quang Vinh.

Kiên định ổn định kinh tế vĩ mô

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, tư tưởng chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô rất kiên định ngay từ phòng chống dịch và biện pháp tài khóa tiền tệ phục hồi kinh tế linh hoạt. Góp phần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, giãn, hoãn, giảm thuế, không làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế, thu ngân sách giảm nhưng tạo ra hỗ trợ về nguồn lực. Đặc biệt, chúng ta kiểm soát lạm phát tốt đó là một thành công.

Tuy nhiên theo ông Cường, chúng ta cần nguồn lực cho phục hồi kinh tế, nhưng giải ngân chậm và đây là “nút thắt” cần tháo gỡ. Nhất là nhiệm vụ đầu tư công năm 2023 tăng 38% và gói phục hồi kinh tế rơi vào năm 2023. Do đó cần đổi mới trong cơ chế quản lý đầu tư công năm 2023.

Đưa ra phân tích, trong bối cảnh 2023 thách thức trong tương lai khi thế giới bất định, lạm phát suy thoái, ông Cường cho rằng, khi tỷ giá tăng, đồng tiền giảm giá thì ta sẽ rơi vào lạm phát, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân khó khăn. Do đó bài toán giữ tỷ giá để đảm bảo thích ứng được xu thế thế giới tăng lãi suất.

“Tăng lãi suất thì hạn chế tiền cho phát triển. Công cụ tỷ giá và lãi suất là 2 bài toán rất khó khăn. Nguồn lực cho doanh nghiệp, thị trường trái phiếu, cổ phiếu suy giảm. Các doanh nghiệp áp lực, nguồn vốn ở đâu cho phát triển. Do đó cần giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp. Bên cạnh đó là chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế, giãn các khoản đóng góp để giúp đỡ doanh nghiệp. Trong bối cảnh ấy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% không phải là thấp” - ông Cường cho hay.

Theo ĐB Lê Văn Thìn (đoàn Phú Yên), dự kiến ước cả năm tăng trưởng kinh tế đạt và vượt 14/25 chỉ tiêu giao bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và nền kinh tế thế giới khó khăn, có chiều hướng tăng giảm. Tăng trưởng GDP của nước ta trong 9 tháng đạt 8,83%, ước cả năm đạt 8% vượt mức chỉ tiêu phấn đấu. Qua đó phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2021-2022, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển của nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

Còn ĐB Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, những kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2022 đạt được dựa vào kết quả lớn trong công tác phòng chống dịch năm 2021 đã đóng góp cho sự phát triển của kinh tế xã hội, trong đó có đóng góp của ngành y tế. So với các nước nhờ công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan nên kinh tế mới có điều kiện đạt được kết quả trong trong thời gian qua.

Nhiều cán bộ ở thôn, tổ dân phố cũng xin nghỉ việc

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. Trong đó chủ yếu là viên chức chiếm tỷ lệ đa số, còn công chức chỉ chiếm 1,63%.

Theo bà Trà, số công chức nghỉ việc có hơn 4.000 người, còn viên chức là 35.523 người. Trong số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Với giáo dục 2,5 năm qua số người xin thôi việc có 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40% chiếm 60%. Với y tế 2,5 năm qua có 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỉ lệ trong tổng số viên chức là 30,84%. Trong đó độ tuổi dưới 40 trở xuống là 74,72% và có trình độ đại học trở lên là 56,27%.

“Số liệu báo cáo là 2,5 năm nhưng thực tế số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022. Việc nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đặc biệt các nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như: TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Còn các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên số lượng nhỏ” - bà Trà nói.

Về nguyên nhân theo tư lệnh ngành nội vụ, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế thì các dịch vụ như y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nên đã thu hút nguồn nhân lực rất lớn từ công sang tư bởi có chế độ ưu đãi tốt hơn.

Đề cập đến giải pháp, bà Trà cho biết, cần tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Từ đó thay đổi toàn diện việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ công ích trong bối cảnh cơ chế thị trường. “Ngoài sửa đổi thể chế, cũng cần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc” - bà Trà đưa ra giải pháp.

Theo ĐB Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phản ánh tình trạng nhiều cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc do lương chưa đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm đối tượng cán bộ thôn, tổ dân phố cũng đang nghỉ việc rất nhiều.

Ông Hiếu cho biết, qua tiếp xúc cử tri thấy rằng, lương và chế độ chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ này đang hạn chế. Qua đợt dịch Covid-19 tại TPHCM nhiều tổ dân phố không có đủ người thực hiện trợ cấp lên danh sách đối tượng hỗ trợ. Vì thế nên chính sách của ta thực hiện chậm.

“Như một xã ở tỉnh Lào Cai nghỉ việc hơn 230 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Một người làm việc ở thôn, tổ dân phố trung bình thu nhập chỉ 1,5 triệu đồng/ tháng, người nào kiêm nhiệm thì 2-3 triệu đồng/tháng không đáp ứng tương xứng với công việc của thôn và tổ dân phố ngày càng tăng lên. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở dự kiến sắp thông qua, trong đó cũng yêu cầu nhiều việc tại thôn, tổ dân phố. Đặc biệt vừa qua có sáp nhập thôn, tổ dân phố nên địa bàn rộng, nhiều việc. Do đó cần có giải pháp phù hợp và điều tra cụ thể về hiện trạng này”-ông Hiếu dẫn chứng.

Ông Hiếu cho rằng, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu nguyên nhân cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chứ chưa có nghiên cứu về cán bộ ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc trong thời gian qua. Do đó cần nghiên cứu lại chế độ chính sách tại Nghị định 34 để tương xứng với xác nhập các tổ dân phố trong thời gian qua.

Đề nghị bổ sung một số hình thức kiểm tra, giám sát thông qua mạng xã hội

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); sau đó Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích sửa đổi Luật Hợp tác xã là để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường.

Các quy định Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển Hợp tác xã ở nước ta từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật trình Quốc hội bám sát 5 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững; cho rằng hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Cũng trong phiên chiều, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thống nhất với phương án quy định chung về thực hiện dân chủ ở cả 3 loại hình ở xã, phường, thị trấn ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tất cả các loại hình doanh nghiệp, cũng như tại các tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Song đại biểu cho rằng cần có thêm những yêu cầu khác đối với từng loại hình doanh nghiệp và có quy định riêng tùy theo yêu cầu quản lý.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung một số hình thức kiểm tra, giám sát thông qua mạng xã hội... Để bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã, phường và thôn, tổ dân phố, ngoài Zalo, Facebook, đại biểu cho biết, cũng còn nhiều mạng xã hội khác mà chúng ta có thể cân nhắc, xem xét nhằm mở rộng hình thức công khai dân chủ cơ sở thông qua các ứng dụng thông tin trong nước do Nhà nước cung cấp và quản lý theo quy định của pháp luật.

P.V

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Gỡ ‘nút thắt’ giải ngân chậm