Hôm nay, 20/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, dự kiến bế mạc vào ngày 29/7. Tại buổi họp báo chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều qua, ngày 19/7, ông Lê Minh Thông- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, từ ngày 20 đến 28/7, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự nhà nước.
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: TTXVN).
Dành 6 ngày cho công tác nhân sự
Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, ông Lê Minh Thông- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ nhất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
“Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách ĐBQH được bầu.
Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh” - ông Thông cho hay.
Cũng theo ông Thông, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Sẽ xem xét trách nhiệm, không né tránh
Trước vấn đề 2 người không được công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vậy trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào? Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, đây là những trường hợp rất đáng tiếc khi vừa công bố kết quả thì Hội đồng Bầu cử quốc gia xác nhận 494 ĐBQH, còn 2 người không xác nhận vì có những sai phạm.
Theo ông Phúc, với trường hợp ông Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận khi ông này không đảm bảo tiêu chuẩn ĐBQH, không gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ. Cho nên tại phiên họp thứ 7 với 100% đại biểu tán thành, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nhất trí không xác nhận tư cách ĐBQH. Còn trường hợp bà Hường, là người tái cử đã qua 3 khóa nhưng đã vi phạm Luật Quốc tịch. Một thành viên trong Hội đồng Bầu cử quốc gia đã phát hiện ra cho nên tại phiên họp thứ 8, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xác định các vi phạm và không xác nhận tư cách ĐBQH đối với bà Hường.
Từ 2 trường hợp trên, ông Phúc cho rằng: “Đây là cái cần rút ra bài học khi sắp tới sửa Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cần phải có chế tài chặt chẽ hơn nữa. Trường hợp của ông Thanh là do Ủy ban Bầu cử, MTTQ tỉnh Hậu Giang giới thiệu. Cho nên sắp tới chúng ta cần xem xét chặt chẽ hơn”.
“Bộ luật Hình sự là rất đáng tiếc khi chưa có hiệu lực đã phải dừng lại xem xét để sửa hơn 90 điều. Các ĐBQH sẵn sàng nhận trách nhiệm chứ không từ chối gì cả. Trong nhiệm kỳ qua chúng ta xem xét, thông qua 106 Luật, bộ Luật. Các Luật khác chỉ sai ít duy nhất chỉ có Bộ luật Hình sự là sai nhiều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận trách nhiệm về vấn đề này. Sau này cũng sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan có liên quan chứ không né tránh” - ông Phúc nói và cho biết thêm, đây là trách nhiệm của khóa XIII. Hiện có vị đã nghỉ nhưng cũng có vị đang công tác, sẽ xem xét hết.
Trả lời về việc 2/3 ĐBQH khóa XIV là những người mới, liệu có ảnh hưởng đến công tác lập pháp của Quốc hội khóa XIV hay không? ông Phúc cho rằng: Các nhiệm kỳ trước các đại biểu tái cử chiếm 1/3, tại khóa XIV thì số đại biểu tái cử chiếm 36%. Đây là những đại biểu nòng cốt, chưa kể nhiều người khóa mới có làm trong công tác tư pháp nên không lo ảnh hưởng đến công tác xây dựng pháp luật. Hy vọng đại biểu khóa XIV sẽ tốt hơn rất nhiều.
Liên quan đến việc Quốc hội khóa XIII có 2 nữ doanh nhân bị bãi miễn ĐBQH, còn khóa XIV chưa bắt đầu đã có 2 doanh nhân bị không xác nhận tư cách ĐBQH, bởi ông Thanh cũng xuất thân từ doanh nhân, ông Phúc cho rằng, đây cũng là ngẫu nhiên bởi ĐBQH phải có nhiều thành phần, cơ cấu, mang tính đại diện.
“Qua đây tôi cũng muốn nhắn rằng vào Quốc hội phải là vì nhân dân làm việc chứ không phải vào để vì nọ vì kia. Chứ vào rồi mà người dân phát hiện ra sai phạm rồi khiếu nại tố cáo thì cũng bị bãi miễn”- ông Phúc nói.
Vẫn theo ông Phúc, “vừa qua Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố chúng tôi sẽ tiếp thu để tới đây nhiệm kỳ khóa XIV sẽ sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, trong đó có sửa đổi các quy định về 3 vòng hiệp thương để kiểm soát tốt hơn”.