Trên đất nước ta ở vùng miền nào bà con cũng đào giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Hình ảnh chiếc giếng đã trở nên thân quen với nhiều người, dù ngày nay, bên cạnh nước giếng còn có nguồn nước máy… Tuy nhiên, có những chiếc giếng kỳ lạ, quanh năm không cạn, hoặc có tác dụng chữa say sóng, hay bỗng dưng nóng bất thường rất cần sự lý giải của các nhà khoa học.
Giếng Chuông Sa.
Giếng trên đỉnh núi chưa bao giờ cạn nước
Trên đỉnh núi Thiên Ấn (xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), có một chiếc giếng mà người dân địa phương gọi là giếng Phật. Giếng Phật nằm trong khuôn viên chùa Thiên Ấn, xung quanh là những lùm cây cổ thụ rậm rạp. Theo người dân địa phương, đây là giếng nước đầu tiên của vùng núi Thiên Ấn.
Giếng Phật sâu khoảng 21m, quanh năm nước trong mát. Người dân bản sứ kể rằng, câu chuyện truyền lại về việc tổ Pháp Hóa đào giếng này cũng khá ly kỳ. Theo đó, giếng Phật phải đào mất 20 năm mới xong. Sau nhiều năm vỡ núi tìm nguồn nước, tưởng đã vô vọng, vị sư trụ trì đã đụng đến viên đá tảng chắn ngang nguồn nước. Đêm về, sư được báo mộng, nạy hòn đá lên sẽ có được nguồn nước thiêng. Khi nguồn nước phụt lên từ đáy giếng, vị sư cũng “hoá” theo dòng nước.
Dân trong vùng vẫn truyền tai nhau về việc nguồn nước giếng Phật là vô biên, có dùng máy bơm cũng không cạn. Riêng điều này đã là một sự lạ, bởi ở trên núi cao, lại ở một vùng đất nắng lửa quanh năm như Sơn Tịnh, nguồn nước mát lành của chiếc giếng cổ này quả thật quý giá.
Tuy nhiên, với nhiều người dân ở các tỉnh khác, người ta tìm về núi Thiên Ấn này bởi nghe đồn uống nước giếng Phật có thể “chữa được bách bệnh”. Lại có người kể, có người đi viện hàng năm trời, bị bác sĩ đã “trả về” rồi, vậy mà lên chùa Thiên Ấn xin nước giếng Phật về uống liền khỏi bệnh. Những câu chuyện này cứ được truyền miệng, người nọ kể người kia, dần dà lan xa, nên có thể bắt gặp ở đây cả người dân các tỉnh miền Bắc lẫn người dân miền Nam. Chẳng rõ khi uống nước giếng Phật có hiệu nghiệm thật không, nhưng nhiều người tin tưởng. Thực hư ra sao, rất cần có sự kiểm nghiệm của các nhà khoa học.
Gếng nước chữa… say sóng
Nằm cách đất liền khoảng gần 20km đường biển, đảo Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) có rất nhiều di tích lịch sử tiêu biểu, mang đặc trưng văn hóa Chămpa, nhưng ấn tượng đối với người dân và du khách khi đến nơi đây vẫn là Giếng cổ Chăm (còn gọi là Giếng xóm Cấm), đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2006. Bất cứ du khách nào ra với Cù lao Chàm, khi biết đến chiếc giếng nước ngọt giữa mênh mông nước biển mặn, đều cảm thấy bất ngờ, ngạc nhiên và tò mò lý giải.
Quan sát thì thấy giếng xóm Cấm có đường kính miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn”. Độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m. Theo người dân ở đây, giếng này có khoảng từ 200 năm nay.
Mặc dù ở ngoài đảo xa, xung quanh nước mặn bao bọc, nhưng đây lại là giếng nước ngọt. Đó là điều rất khó lý giải. Điều lạ khác, giếng này quanh năm không bao giờ cạn nước, cho dù là vào mùa khô hạn. Một người dân lấy nước giếng về ăn còn cho biết: nước Giếng xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù lao Chàm bị say sóng thì lấy nước giếng xóm Cấm nấu với lá rừng của Cù lao Chàm rồi uống vào là hết say sóng.
Theo những nhà nghiên cứu, giếng xóm Cấm từ trước đến nay không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt mát lành dồi dào cho cư dân trên đảo Cù lao Chàm mà còn cung cấp nước ngọt cho tàu thuyền trong và ngoài nước thường xuyên qua lại nơi này, bởi trước đây, Cù lao Chàm là điểm dừng chân và định hướng cho tàu thuyền qua lại thời kỳ Chămpa.
Quả không sai khi giếng xóm Cấm được ví như báu vật giữa Cù lao Chàm.
Giếng tự phun nước Đó là chiếc giếng của gia đình anh Dương Thanh Anh Tuấn (ngụ buôn Đung, xã Enuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Anh Tuấn cho biết, gia đình anh khoan cái giếng này sâu khoảng 50m từ giữa tháng 4/2011, hoàn tất trong vòng 4 ngày. Từ đó đến nay, giếng liên tục phun nước lên mặt đất suốt từ đầu mùa mưa cho đến đỉnh điểm của mùa khô mà không cần phải dùng máy bơm hút. Do đó, chiếc giếng khoan này được ví như “nhà máy nước”, cung cấp nước miễn phí cho nhiều hộ dân trong vùng. |
Giếng giúp phụ nữ có nhiều sữa
Người dân địa phương cũng như một số người dân sống ở nhiều vùng quê Bắc Bộ thường truyền miệng rằng ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (TX. Sơn Tây, Hà Nội) có giếng nước mà bất cứ phụ nữ mới sinh con nào đến đây xin nước về uống là nhiều sữa cho con. Vì thế, “Giếng sữa” là cách gọi dân gian, còn thực ra giếng có tên là Chuông Sa.
Khác với tất cả những chiếc giếng ở làng Đường Lâm, giếng Chuông Sa rất nhỏ, thành thấp lộ ra những viên đá ong cổ. Bất cứ người lớn hay trẻ con cũng có thể lấy gáo múc được nước lên. Vì thành giếng thấp, nên người dân coi sóc giếng cổ cùng cái miếu nhỏ cạnh đó đã đặt lên trên miệng giếng tấm gỗ ghép để trẻ con đỡ nghịch ngợm, đồng thời để che cho lá cây không rụng ruống làm bẩn giếng sữa.
Theo lệ làng ở đây, ai muốn xin nước đều phải lễ, dù là lễ mọn nhưng cứ thành tâm là sẽ được như ý. Trải qua thời gian mưa nắng, có những năm các giếng trong vùng cạn trơ đáy song nước giếng Chuông Sa vẫn luôn đầy ăm ắp, chưa vào giờ vơi cạn. Dân làng quanh đây rủ nhau đến dâng lễ xin Mẫu ban cho nước dùng rồi gánh hết lượt này đến lượt khác nhưng giếng cứ vơi lại đầy, thế là dân làng thoát mùa hạn hán.
Giếng Chuông Sa.
Một số cụ cao niên ở làng Cam Lâm còn nhớ, quãng năm 1965 đã từng có đoàn khoa học về lấy mẫu nước giếng mang đi xét nghiệm, kết quả ra sao thì không ai được biết, song có những nhà phong thủy đến đây giải thích rằng nước luôn đầy là do ở đúng mạch, giống như mạch máu con người, cứ múc đi thì chỗ khác lại dồn về nên không bao giờ cạn.
Giếng bốc hơi nghi ngút
Thời gian vừa qua có hiện tượng một vài giếng nước của người dân bất ngờ bốc hơi nghi ngút, nhiệt độ nước giếng đo được có khi lên tới gần 50 độ C.
Cụ thể, ngày 10/2/2017, nhiều người đến nhà bà Phạm Thị Liên (ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) để tận mắt thấy giếng nước bốc khói. Theo bà Liên, chiếc giếng của gia đình đào từ năm 1988 và sâu khoảng 3m, từ đó đến nay hàng ngày mọi người sử dụng nước sinh hoạt. Bất ngờ sáng 28/1 (tức mùng 1 Tết), bà ra giếng lấy nước thì thấy khói bốc lên từ mặt nước giếng, bà múc thử một gàu nước lên để kiểm tra thì thấy nóng bất thường.
Bà Liên bên giếng nước bỗng nhiên bốc hơi nghi ngút.
Khi biết tin này, nhiều người dân tò mò đến xem, một số người dân thử dùng nhiệt kế đo thì độ nóng của nước giếng nhà bà Liên khoảng 40 độ C, đặc biệt vào ban đêm có khi nước nóng đến hơn 50 độ C.
Trước đó, ngày 18/3/2016, các cơ quan chức năng thuộc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đến khách sạn Hồng Hải (số 42 Bùi Thị Xuân, P.2, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) để kiểm tra hiện tượng nước giếng bốc hơi và nóng đến 43 độ C.Theo ông Hoa- chủ khách sạn cho biết, giếng nước này ông đào từ năm 1994, giếng có đường kính 0,6m và sâu gần 6 m. Năm 2004, ông nâng cấp khách sạn, giếng nước nằm trong tầng trệt khách sạn, ông cắt tấm đá hoa cương dày khoảng 2cm để che miệng giếng. Nhiều năm qua ông Hoa bơm nước giếng lên tầng thượng dùng để rửa xe và tưới cây cảnh.
Nước giếng có thể… cháy Không chỉ nước giếng bốc hơi nghi ngút, hàng chục hộ dân tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk còn chứng kiến những chiếc giếng của gia đình đang dùng bình thường bỗng dưng bị nổi váng đục, bốc mùi xăng dầu nồng nặc, khi châm lửa đốt thì bốc cháy ngùn ngụt. Hiện tượng này xảy ra hồi tháng 8/2016, đến nay có hơn 10 chiếc giếng của các gia đình bị nhiễm. Cũng vào tháng 8 năm ngoái, người dân xã Đông Xá (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) phát hiện nước tại 11 giếng nước bị đen đặc, khi châm lửa thì bốc cháy. Sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân là do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn gây nên. |