Những trường hợp tôm bọ ngựa công phá vỡ bể cá đã từng được ghi nhận và trang web của Đại học Berkley cảnh báo rằng các con tôm lớn, dài trên 13cm có thể làm vỡ vụn kính
Tôm bọ ngựa công (Odontodactylus scyllarus) được công nhận là loài có cú đấm nhanh và mạnh nhất trong toàn bộ thế giới động vật, với gia tốc tương đương với một viên đạn bắn ra từ một khẩu súng thể thao.
O. Scyllarus là một trong số các loài tôm bọ ngựa được biết đến có nguồn gốc từ đáy biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ đảo Guam đến Nam Phi.
Đây là một loài săn mồi nhanh nhẹn và năng động, sử dụng cặp chân hàm có hình dạng chùy để bắt mồi, chủ yếu là các loài giáp xác, động vật chân bụng và động vật thân mềm hai vỏ.
Loài tôm bọ ngựa công được biết đến như một “kẻ đập phá” vì nó sử dụng các càng của mình để liên tục đấm vào con mồi, cho đến khi phá vỡ lớp vỏ ngoài để tiếp cận các mô mềm bên dưới.
Mỗi cú đánh đều di chuyển với tốc độ trên 80 km/h và được xem là cú đấm nhanh nhất được ghi nhận của bất kỳ động vật sống nào.
Cú đấm của con tôm này không chỉ nhanh như một viên đạn súng thể thao mà còn cực kỳ mạnh mẽ. Mỗi cú đấm mang có lực lên tới hơn 1.500 Newton, tức gấp hơn 2.500 lần so với trọng lượng của chính nó.
Trước đây, những trường hợp tôm bọ ngựa công đấm vỡ bể cá đã từng được ghi nhận. Trang web của Đại học Berkley ở Mỹ cảnh báo rằng những con tôm lớn, dài trên 13cm có thể làm vỡ vụn kính.
Vì có màu sắc và hoa văn vô cùng sặc sỡ nên tôm bọ ngựa công thường được nuôi để làm cảnh. Tuy nhiên, để đảm bảo không bị chúng “đấm vỡ” kính, bể cá thường phải được làm bằng loại kính dày hoặc kính cường lực.
Vậy làm thế nào mà một con tôm nhỏ lại có thể tung ra một cú đấm nhanh và mạnh như vậy?
Theo các nhà nghiên cứu, hai chiếc càng có hình dạng như hai chiếc gậy của nó được gấp lại dưới đầu và cố định bằng một chốt giống như lò xo.
Khi có một con mồi đến đủ gần, tôm bọ ngựa công nhả chốt, phóng cánh tay gậy về phía trước. Đó là một chuyển động cực nhanh khiến con mồi dính đòn phải choáng váng.
Maya deVries, phó giáo sư khoa học sinh học tại Đại học bang San Jose, giải thích: “Tôm bọ ngựa có một hệ thống trữ năng lượng đặc biệt, nằm tại nơi nó co cánh tay của mình. Nó có một hệ thống "chốt" để khóa năng lượng tại đó. "Chốt" này được kiểm soát bằng cơ. Vì vậy, khi con vật sẵn sàng ra đòn, nó sẽ co các cơ gấp để nhả chốt. Khi chốt được nhả ra, tất cả năng lượng được tích trữ trong các cơ và bộ xương ngoài sẽ được giải phóng, đồng thời các càng có hình dạng như chiếc búa sẽ lao về phía trước với tốc độ và gia tốc đáng kinh ngạc.”
Trong một thời gian rất dài, các nhà khoa học đã tự hỏi làm thế nào mà tôm bọ ngựa công có thể đấm đủ mạnh để làm vỡ kính và không làm cơ thể bị thương.
Sau đó, người ta đã nghiên cứu rằng những chiếc càng của nó được phủ bằng hydroxyapatite, một vật liệu gốm canxi-photphat tinh thể rất cứng. Bên dưới bề mặt cứng đó là các lớp polysaccharide chitosan, một hợp chất rất đàn hồi, hoạt động như một tấm giảm xóc./.