Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành và Thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) truyền tai nhau một phương pháp chữa bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ ở cây cam sành một cách kì lạ. Các nhà vườn tiến hành chích, truyền kháng sinh vào gốc của cây cam nhiễm bệnh, phương pháp trên khiến nhiều người bán tin bán nghi về hiệu quả của nó.
Nhà vườn chích thuốc để chữa bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ ở cam sành.
Chữa bệnh cho cam như... chữa cho người
Chúng tôi có dịp tiếp xúc vườn cam của anh H. (ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Phước, H.Châu Thành) để quan sát và được nghe anh H. giới thiệu về cách chữa bệnh kì lạ cho cam. Thời điểm chúng tôi có mặt, vườn cam của anh H. có 3 người đàn ông đang lom khom khoan châm thuốc vào những gốc cam. Họ tiến hành khoan một lỗ sâu khoảng 2-3cm, cách mặt đất khoảng 10 - 15cm vào gốc cam, dùng ống chích rút dung dịch trong xô, rồi lấy một đoạn ruột xe dài hơn 20cm, có đục lỗ ở 2 đầu mắc vào ống chích để tạo áp lực đẩy dung dịch ngấm vào thân cây, tại vị trí đã khoan.
Anh H. cho biết, chi phí mỗi gốc cam bỏ ra khoảng 6.000 đồng, để mua thuốc, chưa kể công làm thuê. Còn dung dịch được bơm vào thân cam là Tetracyclin (một loại kháng sinh dùng cho người) pha với nước biển (nước truyền cho người - PV). Hiện tại, đã có rất nhiều nhà vườn ở xã Đông Phước và Tân Thành (TX.Ngã Bảy) áp dụng giống như tôi để chữa bệnh cho cam.
Theo tìm hiểu của PV, những dung dịch trôi nổi trên thị trường được các nhà vườn sử dụng để chích cho cam. Các loại thuốc này chỉ được mua bán thông qua mối quen hoặc những người chích thuê. Anh K, (ngụ ấp Mái Dầm, xã Đại Thành) cho biết: Vườn cam của gia đình có 8 công, trong đó có trên 2 ngàn cây bị bệnh vàng lá, thối rễ nhưng chữa trị sao cũng không hết. Nghe mọi người nói về cách chích thuốc nên tôi gửi tiền cho một người mua giúp để sử dụng cho khu vườn, kết quả vườn cam hồi phục lại. Anh K. hồ hởi cho biết: Vụ vừa rồi vườn cam cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ngoài việc chích vào cây, các “bác sĩ nhà vườn” còn truyền nước biển cho cam bằng thuốc Tetracyclin pha với một số chất trung vi lượng bằng bình xịt kiểng, chi phí cho phương pháp này mất 11 - 15 ngàn đồng/cây. Bằng cách làm này, những người truyền dịch thuê cam kết với chủ vườn cây sẽ phục hồi 100% và nếu không đạt sẽ hoàn tiền. Không chỉ vậy, một số nhà vườn còn cho biết, đội ngũ truyền dịch thuê còn đi mua các vườn cam bị bệnh với giá rẻ để tự phục hồi, nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Khuyến cáo của cơ quan chức năng
Những năm gần đây, nhiều nhà vườn cam sành đã phải đau đầu với bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ. Mặc dù đã áp dụng nhiều phương pháp để chữa trị, với mong muốn phục hồi lại vườn cam bị bệnh nhưng không đạt hiệu quả cao. Từ đó, phương pháp chữa bệnh kì lạ cho cam bằng cách truyền dịch gồm kháng sinh và nước biển được nhiều người truyền miệng nhau.
Do chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả, nên việc sử dụng cách chữa bệnh kì lạ như đã nêu cho cây cam sành ngày càng tự phát và khó kiểm soát. Trao đổi với phóng viên, ông Cao Chí Công - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: Việc chích cây diễn ra lén lút nên khó bị phát hiện. Toàn xã có 18 hộ làm, với diện tích 7ha. Địa phương đã mời nhà vườn đến để tuyên truyền, bởi thuốc sử dụng không rõ nguồn gốc, có thể ảnh hưởng đến loài cây đặc sản này.
Bà Trần Thị Kim Thúy - Phó Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành cho biết: Toàn huyện có 3.800 ha trồng cam sành trong đó diện tích nhiễm bệnh vàng lá gân xanh khoảng 670 ha. Hiện toàn huyện có 112,7 ha được 65 người dân chích thuốc. Việc chích thuốc xuất hiện vào khoảng 3-2015, còn “truyền nước biển” mới có năm nay. Địa phương, đã ra công văn nghiêm cấm tình trạng chích dung dịch vào cây. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và các chuyên gia khuyến cáo, các nhà vườn không nên dùng ống tiêm chích và truyền dịch cho cam, bởi cách làm này chưa được kiểm chứng. Việc tiêm chích, truyền dịch có thể làm cho cây tạm thời xanh tốt nhưng sẽ suy kiệt rồi chết. Ngoài ra, rất có thể hàm lượng kháng sinh tồn dư vượt ngưỡng cho phép cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.